Được biết đến là đất nước có tốc độ phát triển nhanh như vũ bão, “con rồng châu Á” Singapore một lần nữa khiến cả thế giới phải kinh ngạc khi vươn mình trỗi dậy đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu.
Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng để đạt được danh hiệu đó, nhiều trẻ em Singapore đang phải trả giá đắt khi đối phó với áp lực đạt thành tích xuất sắc trong học tập, đến nỗi ngày càng có nhiều em phải nhờ đến dịch vụ hỗ trợ tâm lý.
Mới đây, giới chuyên gia nước này đã rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em Singapore phải đối mặt với các triệu chứng lo lắng, căng thẳng ngay từ khi học tiểu học, thậm chí còn có những trường hợp cực đoan dẫn đến việc tự tử.
Singapore coi giáo dục là trọng tâm phát triển từ khi giành độc lập vào những năm 1960 và hiện nay, hệ thống giáo dục của nước này đang đứng đầu trong bảng xếp hạng quốc tế PISA - hệ thống được mệnh danh là cúp vàng thế giới ở môn toán, đọc hiểu và khoa học.
Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nơi tiến hành đánh giá PISA, cho thấy mặc dù đã đạt được nhiều thành tích nhưng học sinh Singapore có mức độ áp lực học tập ở trường cao hơn rất nhiều so với quốc gia khác.
Học sinh tại quốc gia này không chỉ đối mặt với những giờ học dài căng thẳng ở trường, về nhà làm bài tập mà còn phải tham gia những lớp học thêm do bố mẹ thúc ép gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần. Theo khảo sát từ OECD, trung bình học sinh tại Singapore dành 9,4 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà, đứng thứ 3 toàn cầu.
“Trẻ em đang bị ép phải trưởng thành quá nhanh mà không có nền tảng và sức mạnh tự trấn an bản thân. Xã hội Singapore không cho phép quá trình này chậm lại vì nhiều người coi đó là điều xa xỉ”, chuyên gia tâm lý học Daniel Koh thuộc Trung tâm Tâm lý học Insights cho biết. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà ông từng điều trị liên quan đến áp lực học tập là một em bé đang phải vật lộn với quá trình chuyển từ mẫu giáo lên tiểu học.
Báo cáo gần đây cho thấy trẻ em Singapore có mức độ lo lắng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Hiện với nỗ lực giảm căng thẳng tại các trường học, chính phủ Singapore đã tiến hành cải cách nhằm loại bỏ một số bài kiểm tra học thuật và thay đổi quy trình dạy học cứng nhắc. Các nhà chức trách hy vọng cải cách giáo dục sẽ giảm bớt áp lực lên học sinh. Những biện pháp này bao gồm bỏ bớt một số bài thi ở tiểu học và trung học, phân nhóm học sinh theo khả năng các môn toán và khoa học, thay vì bắt học tất cả các môn. Học sinh được cùng tham gia các lớp nghệ thuật, âm nhạc và giáo dục thể chất.
“Chúng tôi phải cân bằng giữa niềm vui học tập và sự nghiêm khắc trong giáo dục”, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye tuyên bố một số thay đổi trong kỳ họp quốc hội đầu năm.
Một trong những rào cản lớn nhất trong công tác giảm bớt áp lực cho học sinh chính là thái độ và kỳ vọng của cha mẹ. Cô Wendy, mẹ của một bé gái 12 tuổi cho rằng học tập là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Đứa trẻ phải học gia sư môn toán và khoa học 2 buổi/tuần, học tại trung tâm tiếng Anh, tiếng Trung ba buổi/tuần.
“Tôi phải sát sao với con bé, chắc chắn rằng con tôi thực hiện đủ yêu cầu mà tôi đặt ra”, cô Wendy chia sẻ.
Bà Cindy Khoo, trưởng phòng kế hoạch Bộ Giáo dục Singapore, cho biết nhiều trường đã tích cực tham gia để giải thích với phụ huynh rằng những cải cách này có lợi như thế nào đối với con cái họ về lâu dài. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng việc gây sức ép lên con cái đã ăn sâu vào văn hóa làm cha làm mẹ tại Singapore.
Khi bước vào các kỳ thi lớn, tổ chức phòng chống tự tử Samaritans của Singapore thường xuyên phải tiếp cận với nhiều trường hợp các em học sinh liên hệ tìm kiếm sự giúp đỡ. Trợ lý Giám đốc Samaritans, anh Wong Lai Chun, cho biết: “Năm 2016, một cậu bé 11 tuổi đã nhảy lầu tự tử sau khi biết mình đã trượt 2 môn trong kỳ thi học kỳ và không biết phải đối diện với bố mẹ như thế nào”.
Singpore cải cách giáo dục diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á buộc phải đánh giá lại áp lực trong học tập của trẻ em. Trong một báo cáo đánh giá các ca tử vong trẻ em ở Hong Kong (Trung Quốc), học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em tự tử.
Năm 2016 – 2017, Nhật Bản báo cáo có tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cao nhất trong 30 năm. Các quan chức thừa nhận con số này tăng cao bất thường vào tháng 9 hàng năm – thời điểm các em bắt đầu bước vào năm học mới.