Trong cuộc chiến với bệnh béo phì, các hãng thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới đã xuất sắc về đích trước 5 năm so với mục tiêu đặt ra hồi năm 2010. Họ đã loại bỏ hàng nghìn tỷ calorie khỏi các sản phẩm (tính riêng tại thị trường Mỹ).
Không phải là “phép màu”
Hồi tháng 5/2010, có 16 công ty thực phẩm và đồ uống, từ Coca-Cola tới Kraft Foods, đã cam kết tới năm 2012 cắt giảm 1.000 tỷ calorie trong các sản phẩm bán tại Mỹ, và nâng mức cắt giảm lên 1.500 tỷ calorie vào năm 2015, so với mức của năm 2007. Trên thực tế, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học North Carolina (UNC), trong năm 2012, các hãng này đã giảm bớt được 6.400 tỷ calorie. Cụ thể, nếu như năm 2007, các công ty trên đã bán 60.400 tỷ calorie ra thị trường thì con số này đã giảm xuống 54.000 tỷ calorie trong năm 2012.
Cần nâng cao nhận thức của người dân về một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. |
Các công ty trên cho biết họ đã hoàn tất được nhiệm vụ trên thông qua một loạt biện pháp như giảm đường trong bột sữa sôcôla, đưa ra các lại kem có định lượng khẩu phần… Larry Soler, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận có tên “Đối tác vì một nước Mỹ khỏe mạnh hơn”, nhận định các hãng thực phẩm đã vượt cam kết hơn bốn lần. Thành tích này cho thấy họ có thể đem đến cho các gia đình Mỹ những lựa chọn có lợi cho sức khỏe hơn.
Mặc dù các doanh nghiệp đã thành công hơn mong đợi trong việc giảm lượng calorie bán ra thị trường, một số chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo nỗ lực tự nguyện từ phía ngành công nghiệp thực phẩm không phải là “phép màu”. Jeff Levi, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận “Quỹ vì sức khỏe người Mỹ”, nhận định: Đặc biệt với trẻ em, cần phải đưa ra quy định nhằm “giảm nhu cầu đối với đồ ăn chứa hàm lượng calorie cao, không có lợi cho sức khỏe”.
Các “chiêu” giảm calorie
Khi đưa ra các cam kết, các công ty cho biết họ sẽ thay thế bằng các sản phẩm có hàm lượng calorie thấp hơn, “thiết kế” lại các sản phẩm hiện hành để giảm calorie, giảm bớt kích cỡ khẩu phần. Theo nghiên cứu của Barry Popkin và các cộng sự, các hãng giải khát có xu hướng ngày càng “chuộng” đồ uống có cả đường và chất tạo ngọt nhân tạo, đem đến cho người tiêu dùng những đồ uống ít calorie hơn loại đồ uống chỉ sử dụng đường. Coca-Cola và Pepsi đã chuyển khẩu hiệu quảng cáo sang các đồ uống ít calorie. Các hộ gia đình có trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có lượng calorie giảm mạnh nhất. Theo ông Popkin, dường như phụ huynh là người định hướng cho việc giảm lượng calorie.
Một số công ty tham gia chiến dịch chống béo phì đã tung ra các “phiên bản” mới, cung cấp ít calorie hơn. Mùa đông năm ngoái, General Mills đã trình làng sản phẩm ngũ cốc sôcôla 80 calorie, trong khi các sản phẩm ngũ cốc khác thuộc dòng Fiber One chứa 170-220 calorie. Hãng này cũng tích cực thâm nhập thị trường bằng sản phẩm bánh sôcôla hạnh nhân Fiber One 90 calorie, sữa chua Yoplait Greek 100 calorie (trong khi sản phẩm trước đây chứa 140 calorie) và Yoplait chỉ còn 90 calorie (so với trước đây là 170 calorie).
Từ năm 2000, Nestle USA đã giảm 25% lượng đường trong bột sôcôla Nesquik và dự kiến năm nay sẽ giảm tiếp 15-20%. Các sản phẩm mang thương hiệu Stouffer của hãng cũng bớt béo đi.
Sandy Douglas, chủ tịch Coca-Cola chi nhánh Bắc Mỹ cho hay, hầu hết các thương hiệu của hãng này đều có lượng calorie thấp hoặc bằng 0. Và các đồ uống này chiếm gần 1/3 lượng đồ uống của hãng ở Bắc Mỹ. Hãng cũng tung ra các loại nước giải khát “mini” 7,5 ounce, thuộc các thương hiệu Coke, Sprite…
Chặng đường dài phía trước
Tuy nhiên, chiến dịch giảm calorie của ngành chế biến thực phẩm vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi 2/3 dân số Mỹ đang trong cảnh thừa cân hoặc béo phì. Tính trên cơ sở thống kê dân số Mỹ năm 2012, giảm được 6.400 tỷ calorie trong các sản phẩm, có nghĩa là mỗi người giảm được 78 calorie/ngày. Trong khi đó, theo số liệu năm 2012 của “Quỹ vì sức khỏe người Mỹ”, mức calorie trung bình mà người Mỹ “nạp” vào hiện cao hơn 300 calorie/ngày so với năm 1985, và nhiều hơn tới 600 calorie/ngày so với năm 1970.
Trong khi đó, một số chuyên gia y tế hàng đầu tại nước Anh vừa dự báo đến năm 2050, hơn một nửa dân số Vương quốc Anh sẽ mắc chứng béo phì. Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2050, chính phủ Anh sẽ phải tiêu tốn hơn 50 tỷ bảng (tương đương 82 tỷ USD) mỗi năm để chữa trị các bệnh liên quan đến chứng béo phì, trước hết là các bệnh về tim mạch và tiểu đường. Nhiều nhà khoa học và bác sĩ của Anh đã kêu gọi các nhà chế biến đồ ăn nhanh giảm 30% hàm lượng đường trong các sản phẩm của mình. Họ nhấn mạnh điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn hay thậm chí giảm tỷ lệ béo phì trong người dân. Cuộc chiến chống bệnh đái tháo đường và thừa cân hiện nay đã tiêu tốn của nước Anh gần 5 tỷ USD mỗi năm.
Giáo sư David Heslem, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ quốc gia Anh, cho biết tình trạng thừa cân ở Anh hiện nay ngày càng trở nên phức tạp. Theo dự báo chính thức, tính đến những năm 50 của thế kỷ 21 này, một nửa người dân “Đảo quốc sương mù” sẽ bị thừa cân. Tuy nhiên, con số này có thể còn cao hơn nữa. Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Anh, Giáo sư Kevin Felton, béo phì là một vấn đề mang tính toàn cầu và Anh không phải là ngoại lệ. Các cơ quan chức năng cần phải áp dụng những biện pháp nghiêm khắc nhằm hạn chế việc sử dụng đường cũng như chú trọng tới các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chứng béo phì, khuyến khích một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Hương Giang