Với mức giá trên, bức tranh ghép kỹ thuật số "Everydays: The First 5.000 Days" của nghệ sĩ Beeple đã trở thành tác phẩm sáng tạo nghệ thuật số độc quyền - "non-fungible token" (NFT) - có giá trị cao nhất tính tới nay.
NFT là một loại token mã hóa trên blockchain (công nghệ chuỗi số) đại diện cho một tài sản duy nhất, không thể thay thế, không thể sao chép hay làm nhái. Các NFT có giá trị sở hữu được ghi nhận, đảm bảo tính sở hữu và nguyên gốc của tác phẩm, khác với hầu hết những tác phẩm khác có thể được chia sẻ rộng rãi trên internet và dễ dàng sao chép.
Theo Christie's, nghệ sĩ Beeple, tên thật là Mike Winkelmann, hiện là một trong 3 nghệ sĩ đương thời có giá trị đấu giá cao nhất, cùng với Jeff Koons và David Hockney.
"Everydays" là tác phẩm sáng tạo nghệ thuật thuần túy dựa trên kỹ thuật số được bảo đảm dưới dạng NFT đầu tiên mà một nhà đấu giá uy tín đưa ra đấu giá. Thông tin người mua không được công khai.
Nghệ sĩ 39 tuổi khẳng định tác phẩm của anh, được định dạng tập tin hình ảnh JPEG, mang đầy đủ tính mỹ thuật, thông điệp, độ tinh xảo và ẩn chứa nhiều ý nghĩa không thua kém bất kỳ bức tranh sơn dầu nào trong thế giới thực. Tác phẩm được sáng tạo dựa trên một dự án khởi động từ ngày 1/5/2007 khi Beeple còn làm công việc thiết kế web nhàm chán. Anh bắt đầu dự án sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật mỗi ngày, không gián đoạn, để cải thiện khả năng vẽ với và thiết kế đồ họa của mình.
Sau 5.000 ngày liên tục, "Everydays" ra đời, tập hợp tất cả các mảnh ghép mà Beeple thực hiện mỗi ngày dạng tác phẩm kỹ thuật số, bắt đầu là hình ảnh người bác Jim của Beeple và kết thúc là một một bức đồ họa chi tiết chân dung của các nhân vật như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay nhân vật hư cấu Buzz Lightyear hay huyền thoại nhạc pop Michael Jackson.
Nghệ sĩ Beeple chia sẻ việc sử dụng phần cứng và phần mềm để tạo ra và đăng tải những tác phẩm nghệ thuật trên mạng Internet đã được thực hiện suốt hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, chỉ khi NFT ra đời, những tác phẩm này mới thực sự có cơ hội để được công nhận tính sở hữu và trở thành những tác phẩm có thể sưu tầm. Người nghệ sĩ trẻ tin tưởng đây chính là mở đầu của một chương mới trong lịch sử nghệ thuật thế giới.
Từ năm 2007, Beeple đã nổi tiếng trên Instagram với gần 2 triệu lượt người theo dõi. Anh cũng đã kết hợp với nhiều nhãn hàng danh tiếng và các ca/nhạc sĩ hàng đầu, là những người đặc biệt bị vũ trụ đồ họa giàu trí tưởng tượng của nghệ sĩ này lôi cuốn. Tuy nhiên, Beeple chưa từng bán được một tác phẩm nghệ thuật nào mang tên mình cho tới gần đây khi công nghệ mới trở thành bệ phóng đưa anh vào quỹ đạo và trở thành một trong những nghệ sĩ thời thượng nhất trên thế giới.
Đáng chú ý, đây không phải là tác phẩm có giá nhiều triệu Mỹ kim đầu tiên của Beeple. Hồi cuối tháng 2, một tác phẩm khác của nghệ sĩ này, "Crossroads", đã được bán lại trên nền tảng Nifty Gatewway, chuyên trang đấu giá các tác phẩm ảo, với giá 6,6 triệu USD.
Dù còn lạ lẫm với khá nhiều người nhưng các sản phẩm kỹ thuật số - được đảm bảo bởi công nghệ blockchain - đang trở thành những vật sưu tầm ưa thích trên nhiều thị trường khác nhau.
Theo Christie's, những phút cuối cùng của phiên đấu giá "Everydays" vốn đã kéo dài 2 tuần thu hút tới 22 triệu người xem cùng lúc khi các mức giá liên tục được đẩy lên những mốc cao ngoài sức tưởng tượng do những người mua đến từ 11 quốc gia khác nhau. Có tới 91% số người tham gia phiên đấu giá này cho biết đây là lần đầu tiên họ tham gia đấu giá và hơn một nửa trong độ tuổi từ 25 - 40.
Ngoài những tác phẩm nghệ thuật, nhiều sản phẩm ảo khác cũng tạo sức hút. Có thể kể đến dòng chia sẻ (tweet) đầu tiên của Giám đốc điều hàng (CEO) Twitter Jack Dorsey đăng từ năm 2006, hiện đang được đấu giá với mức trả giá cao nhất tính tới nay đã là 2,5 triệu USD. Hay các video ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng trong các trận đấu giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ dưới dạng các NFT cũng đang được giới sưu tầm săn lùng.
Hồi tháng trước, clip dài 10 giây ghi lại một khoảnh khắc bùng nổ của siêu sao bóng rổ LeBron James được bán với giá 208.000 USD trên chợ điện tử NBA Top Shot.