Cam kết tham vọng
Với dân số chỉ vỏn vẹn 700.000 người, quốc gia nằm trên dãy núi Himalaya rất coi trọng bảo vệ môi trường và được đánh giá là một trong những quốc gia xanh nhất Trái Đất, cũng như hạnh phúc nhất khi lấy chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm thước đo sự thịnh vượng thay vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay phát biểu tại TED talk. |
Trong bài phát biểu tràn đầy cảm hứng, Thủ tướng Bhutan nhấn mạnh “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” không chỉ là quốc gia cân bằng khí thải mà là “không phát thải”. Cả Bhutan chỉ tạo ra hơn 2 triệu tấn CO2/năm nhưng rừng ở nước này hấp thu được lượng CO2 nhiều gấp ba lần. Như vậy, Bhutan còn hấp thu “hộ” khoảng 4 triệu tấn CO2 của các nước xung quanh
Như vậy, Bhutan không gây ra biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề như băng tan gây lũ, sạt lở đất. Tuy nhiên, vương quốc này không hề đứng yên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhắc lại sự kiện năm 2009, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 15 ở Copenhagen (Đan Mạch), Thủ tướng Tshering Tobgay kể rằng Bhutan đã cam kết không phát thải khí CO2 nhưng chưa nhận được sự chú ý. Phải đến tháng 12/2015, tại COP 21 diễn ra ở Paris (Pháp), cam kết không bao giờ phát thải khí CO2 của Bhutan mới được lắng nghe và công nhận.
Tại COP21, Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận vai trò đầu tàu và "tham vọng phi thường" của Bhutan trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi nước này đã ký kết "Liên minh Tuyên ngôn châu Âu" để phối hợp hành động trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng.
Nỗ lực chống biến đổi khí hậuTừ năng lượng gió cho tới khí sinh vật, sử dụng xe đạp và xe buýt điện, Bhutan đang từng ngày tìm tới các biện pháp mới để góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đầu năm 2016, hai tuabin gió đầu tiên của nước này được khánh thành tại làng Rubesa ở quận Wangduephodrang. Nếu dự án này thành công, Bhutan sẽ lắp đặt thêm 24 trang trại gió để giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô. Bộ Năng lượng tái tạo Bhutan cũng đang dự định lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra 1mw điện năng, cung cấp 13.500 bếp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời và 2.800 hầm khí sinh vật ở 20 quận trước cuối năm nay.
Để thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải từ giao thông gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu, Bhutan đang nỗ lực đưa Thimphu thành thủ đô thân thiện với xe đạp. Xe ô tô chạy điện cũng được giới thiệu ở Bhutan cách đây 2 năm, với 4 trạm sạc điện được lắp đặt trong tháng 2 vừa qua, đưa tổng số trạm sạc điện lên 10 trạm. Theo hãng tin Thomson Reuters, Thủ tướng Bhutan đã có cuộc đàm phán với Ashok Leyland, hãng sản xuất ôtô thương mại hàng đầu của Ấn Độ, để thử nghiệm xe buýt điện ở Bhutan.
Một trong số những nỗ lực được đánh giá cao nhất và gây ấn tượng của Bhutan có lẽ là chiến dịch trồng cây gây rừng. Bhutan luôn cố gắng duy trì độ che phủ rừng tới 60% diện tích lãnh thổ, một mục tiêu mà nước này đã vượt qua với 72% diện tích đất nước được che phủ bởi rừng. Chiến dịch trồng rừng đã giúp bảo vệ các cộng đồng dân cư ở vùng núi tránh được các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao.
Cùng với việc huy động có hệ thống các nguồn lực, Bhutan cũng hy vọng sẽ truyền đi tinh thần chung tay giữ gìn và trân trọng Trái Đất, ngôi nhà duy nhất của thế giới như lời Thủ tướng nước này: “Chúng ta ở đây để mơ cùng nhau, hành động cùng nhau, chiến đấu chống biến đổi khí hậu cùng nhau, cùng bảo vệ hành tinh của chúng ta”.