Tình trạng băng tan ở Nam Cực vốn được coi là mối hiểm họa hàng đầu khiến nước biển dâng sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ thậm chí là thế kỷ. Đây là kết quả nghiên cứu mới được các nhà khoa học Anh, Đức và Mỹ công bố.Công trình mới công bố trên tạp chí "Khoa học" tập trung nghiên cứu tại sông băng Đảo Pine ở Nam Cực, nơi mà tốc độ tan chảy của băng tăng nhanh trong vòng 20 năm qua khi mà nước biển ấm lên cùng với tình trạng nóng lên ở các đại dương.
Dựa trên những điều tra địa chất mới và kết quả xác định niên đại các tảng đá lộ ra do băng tan, các nhà khoa học kết luận rằng hiện tượng tương tự đã từng diễn ra hàng nghìn năm trước.
Theo đó, khoảng 8.000 năm trước, các sông băng này đã từng tan chảy trong hàng chục đến hàng trăm năm, khiến độ dày của các khối băng giảm trung bình hơn 100 cm mỗi năm, tương đồng với mức tan hiện nay. Từ kết quả này, các nhà khoa học nhận định sông băng Đảo Pine đã từng trải qua thời kỳ tan nhanh ít nhất một lần trong quá khứ, và một khi bắt đầu, tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều thế kỷ.
Tháng trước, tạp chí "Sự thay đổi khí hậu tự nhiên" công bố một báo cáo cho biết sông băng đang tan chảy và sẽ khiến mực nước biển tăng thêm 1 cm trong vòng 20 năm. Khoảng 20% lượng băng rơi rụng ở Tây Nam Cực là "tác phẩm" của các sông băng với các khối băng trôi nổi bên trên. Trung bình trong khoảng thời gian từ 1992 - 2011, các sông băng này mang đi khoảng 20 tấn băng mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự báo lượng băng mất mát này sẽ còn tăng thêm và có thể lên trên mức 100 tỷ tấn một năm.
TTXVN/Tin tức