Dự kiến trong tương lai, đây sẽ được coi là ngành công nghiệp tiềm năng trong cuộc cách mạng sản xuất thực phẩm.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Texas A&M, Mỹ cho biết trong một năm, một mẫu ấu trùng giòi có thể tạo ra nhiều protein hơn 3.000 mẫu gia súc hoặc 130 mẫu đậu nành.
Với sản lượng cao, khả năng sản sinh protein đáng tin cậy và chi phí thấp, dự kiến ngành công nghiệp này có thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp dinh dưỡng cho dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 9,8 tỷ người trong năm 2050.
Trước đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo chế độ ăn giàu đạm động vật không thể kéo dài trong thời gian tới. Tổ chức này khuyến khích các chính phủ và doanh nghiệp chuyển sang nuôi ấu trùng để đáp ứng nhu cầu protein trên toàn cầu.
Ông Jeff Tomberlin - Giáo sư côn trùng học tại Đại học Texas A&M – nhận định ngành công nghiệp nuôi ấu trùng có thể giúp ổn định nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và bảo vệ môi trường. “Không có lý do gì mà chúng ta không tiến hành thực hiện sản xuất protein theo cách này ở quy mô toàn cầu”, ông nói.
Cố vấn của Tomnerlin, ông Sheppeard, phát hiện ấu trùng giòi có hàm lượng canxi cực cao, gấp 50 lần so với giun và dế. Năm 2006, một nhãn hiệu đã sử dụng ấu trùng giòi làm thức ăn cho tắc kè, rồng Australia và các loài bò sát khác. Ngay sau đó, các công ty sản xuất thức ăn cho động vật cũng đã tham gia vào thị trường với thương hiệu ruồi lính đen riêng. Symton là một trong những công ty mới tham gia vào thị trường này nhưng sản lượng ấu trùng tăng gấp đôi chỉ trong 6 tháng, lên tới 2 triệu con mỗi tuần.
Khi được nuôi đến một kích thước cụ thể, ấu trùng được thu hoạch, sấy khô trong lò công nghiệp và chế biến thành bữa ăn giàu protein. Cô Taranow - nhân viên của Symton đang ăn một vài con giòi sấy khô vào miệng - cho biết nó có vị dễ chịu, trung tính. Theo báo cáo năm 2013 của Liên Hợp Quốc, gần 2 tỷ người trên toàn thế giới đã đưa côn trùng vào chế độ ăn uống của mình. Đồ ăn nhẹ từ côn trùng cũng xuất hiện nhiều ở các chợ ngoài trời như Thái Lan, Trung Quốc và các nơi khác.
Giòi là dạng ấu trùng trong giai đoạn trưởng thành của loài ruồi. Trong phòng sinh sản ruồi tại công ty chuyển đổi Evo do Giáo sư Tomberlin thành lập, hàng ngàn con ruồi trưởng thành được nuôi tại đây tìm kiếm bạn đời để giao phối. Khi chúng giao phối, ruồi cái để lại rất nhiều trứng trên những miếng bìa carton đặt sẵn bên trong phòng. Nhân viên của Evo sau đó sẽ thu thập bìa carton và cho chúng vào các lọ thủy tinh để ủ.
Vài ngày sau, một đàn giòi có kích thước bé hơn hạt tiêu nở ra và được Evo bán cho công ty khác. Các công ty này tiếp tục nuôi chúng trong một hỗn hợp ngũ cốc để đảm bảo dinh dưỡng tối ưu và cuối cùng sẽ tiêu thụ chúng.
Giáo sư Tomberlin chia sẻ mỗi ngày, một ấu trùng ruồi lính đen có thể tiêu thụ thức ăn gấp đôi trọng lượng. Trong quy trình kéo dài 14 ngày từ khi mới nở đến khi là một con nhộng, ấu trùng sẽ phát triển dài 2,5 cm và có trọng lượng tăng gấp 10.000 lần.
Ấu trùng được hệ thống Evo nuôi thường ăn ngũ cốc từ một số nhà máy chưng cất và nhà máy bia ở bang Texas, với khối lượng khoảng 15 tấn/tháng.
Với công nghệ nuôi cấy trên, hệ thống Evo giảm được gần 1 nửa lượng chất thải mỗi tuần. Theo Giáo sư Tomberlin, ruồi lính đen có thể ăn bất cứ thứ gì như phân lợn, chất thải người, phế liệu thực phẩm. Một số chương trình thí điểm tại Đại học Louisiana đã đưa một đàn ruồi lính đen đến để tiêu thụ thực phẩm thừa của sinh viên. Tại Trung Quốc, các cơ sở của công ty JM Green cũng xử lý ít nhất 50 tấn chất thải thực phẩm mỗi ngày với sự giúp đỡ của những con ruồi lính đen.
Sử dụng ấu trùng để loại bỏ chất thải thực phẩm có thể coi là phương thức thay đổi môi trường sinh thái của con người. Một báo cáo chi tiết của Liên Hợp quốc năm 2011 cho thấy thực phẩm thối rữa thải ra hàng triệu tấn CO2 vào bầu khí quyển, chiếm khoảng 7% lượng khí thải nhà kính của thế giới.