Theo cáo trạng, khoảng 9h30 ngày 29/5/2019, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất quần áo Đông Dương (địa chỉ tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) do Nguyễn Kim Hoài làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra có nhiều nhân công đang gia công cắt vải, đóng gói nhiều sản phẩm quần áo các loại có dấu hiệu giả nhãn mác, logo, nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như: Adidas, Nike, Uniqlo. Quá trình kiểm tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ: Hơn 7.000 chiếc áo cộc tay nhãn hiệu Adidas, hơn 2.400 chiếc quần đùi nhãn hiệu Adidas, trên 2.100 bộ quần áo hè nhãn hiệu Adidas, 1.110 chiếc áo dài tay nhãn hiệu Uniqlo, gần 1.500 chiếc áo cộc tay nhãn hiệu Nike, 2 kg nhãn quần áo hiệu Uniqlo, 4,5 kg nhãn quần áo hiệu Nike, hơn 16 kg nhãn quần áo hiệu Adidas…
Qua điều tra đã xác định: Từ năm 2014, Nguyễn Kim Hoài mở xưởng sản xuất quần áo Đông Dương tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nhận thấy việc gia công may các loại quần áo thông thường có lợi nhuận không cao nên Hoài nảy sinh ý định sản xuất hàng quần áo giả các nhãn hiệu Adidas, Uniqlo, Nike để bán kiếm lời với lợi nhuận cao hơn.
Để sản xuất hàng giả nhãn hiệu trên, Hoài mua vải tấm từ các chợ đầu mối lớn ở thành phố Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân) hoặc mua bán vải thanh lý rao bán trên mạng, đồng thời nhập mua logo nhãn hiệu, mác vải, nhãn giấy qua mạng internet của một người không quen biết ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi đã mua đủ nguyên vật liệu, Hoài thuê nhân công cắt vải tấm thành vải miếng, sau đó tiếp tục in các nhãn hiệu (Adidas, Nike, Uniqlo) lên vải miếng bằng máy ép truyền nhiệt đặt tại xưởng Đông Dương. Thực hiện xong các công đoạn trên, Hoài thuê các xưởng gia công may ở huyện Ba Vì (Hà Nội) để thực hiện công đoạn may thành các sản phẩm áo, quần hoàn chỉnh với giá tiền công 2.500 đồng/áo và 2.000 đồng/quần (Hoài không nhớ cụ thể thông tin các xưởng gia công này). Sau khi may hoàn thiện, sản phẩm được chuyển về lại xưởng Đông Dương để đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện việc sản xuất hàng giả, Hoài thuê 10 nhân công làm các công đoạn: cắt vải theo mẫu, dán tem nhãn lên quần áo, đóng gói hàng hóa… Số hàng giả thành phẩm được Hoài cất tại kho hàng ở xã Tam Hiệp và bày bán tại cửa hàng kinh doanh Đông Dương của Hoài ở địa chỉ cụm 7, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Cáo trạng kết luận, mặc dù biết rõ Nhà nước nghiêm cấm việc sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường Việt Nam những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chất lượng của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đã đăng ký bản quyền và được bảo hộ tại Việt Nam, nhưng do hám lợi, từ tháng 2/2019 đến ngày 29/5/2019, Nguyễn Kim Hoài đã có hành vi mua nguyên liệu gồm vải tấm, logo, nhãn hiệu, mác vải, nhãn giấy rồi thuê nhân công sản xuất 13.604 sản phẩm là quần áo giả các nhãn hiệu Uniqlo, Adidas (trong đó có 1.110 chiếc áo dài tay nhãn hiệu Uniqlo, 12.494 sản phẩm nhãn hiệu Adidas) đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tổng số hàng hóa mà Hoài làm giả tương đương với hàng thật trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Đối với 1.840 sản phẩm nhãn hiệu Nike thu giữ của Nguyễn Kim Hoài, cơ quan chức năng không đủ cơ sở kết luận số hàng hóa thu giữ của Nguyễn Kim Hoài là hàng hóa giả nhãn hiệu Nike. Công ty TNHH Nike Việt Nam đề nghị không xem xét xử lý hình sự đối với Nguyễn Kim Hoài nên Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội chuyển tài liệu và hàng hóa liên quan đến Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội để xử lý hành chính.
Đối với những người làm công được Hoài trả lương từ 4-5 triệu đồng/tháng/người. Họ không biết, không bàn bạc gì với Hoài về việc sản xuất hàng giả và không được hưởng lợi nên Cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với những người này.