Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, tại các địa điểm như chợ Saigon Square, chợ Bến Thành, Taka Plaza... những nơi được xem là thiên đường mua sắm của tín đồ thời trang trong và ngoài nước vẫn bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc.
Đáng chú ý, những mặt hàng giả, hàng nhái phần lớn là túi xác của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Dior... với giá cực mềm, chỉ dao động từ 300.000 – 900.000 đồng/cái; trong khi nếu là hàng thật, giá của các sản phẩm này phải tính hàng trăm triệu đồng/cái. Ngoài ra, còn có quần áo, mắt kính, giày dép thời trang cũng nhái thương hiệu. Điển hình như dép Crocs cho cả trẻ em và người lớn, với giá dao động từ 99.000 – 399.000 đồng; trong khi hàng chính hãng (kể cả khi giảm giá) giá bán không dưới 1 triệu đồng, thậm chí trên 3 triệu đồng/đôi.
Chị Nguyễn Ngọc Hai, ngụ ở thành phố Thủ Đức, cho biết: “Tôi bỏ gần 500.000 đồng mua đôi giày Crocs tại Saigon Square. Lúc mua tưởng họ giảm giá thật, giờ mới biết mình mua phải hàng giả giá cao. Đi một thời gian phát hiện, sản phẩm phai màu nhanh chóng và dễ bị bẩn, không rửa sạch được. Có lẽ tôi sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm và địa điểm để không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Nhận thấy rõ tình trạng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các chợ, trung tâm thương mại lớn và các tuyến đường nổi cộm như Nguyễn Trãi, Lưu Văn Lang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cách Mạng Tháng Tám… lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã liên tục kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này như "bắt cóc bỏ dĩa", sau một thời gian ngắn lại tái diễn, đặc biệt là trong những tháng cao điểm cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 30 vụ vi phạm tại Saigon Square, tạm giữ 986 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng và xử phạt hơn 223,5 triệu đồng. Các sản phẩm vi phạm chủ yếu là quần áo, túi xách, ví... không có hóa đơn và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Ngoài ra, đơn vị cũng kiểm tra, xử lý 937 vụ vi phạm về hàng giả, tạm giữ số lượng tang vật hơn 111.000 đơn vị sản phẩm, gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, hàng tiêu dùng với tổng trị giá hơn 10,1 tỷ đồng và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp số tiền hơn 11,1 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn và không gian mạng. Hàng hóa vi phạm đa dạng, không chỉ được sản xuất trong nước mà còn nhập khẩu từ nước ngoài và đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ qua nhiều hình thức như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại...
Hàng giả không chỉ tràn lan tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại mà trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các đối tượng còn đẩy mạnh bán hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee... hay Zalo, Facebook, TikTok, YouTube. Thậm chí, các trang web, ứng dụng và thông tin trực tuyến giả mạo cũng xuất hiện nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Mới đây, đầu tháng 10, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra một hộ kinh doanh tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và phát hiện 82 vỏ loa thùng bằng gỗ đã sơn nhưng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc, được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Cũng tại địa bàn này, lực lượng chức năng phát hiện hơn 70 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả thương hiệu Louis Vuitton đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam và rao bán trên mạng xã hội.
Trước đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Công an quận 12 tiêu hủy 14.114 đơn vị sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng trị giá hơn 653 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là ngành hàng điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế...
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, hiện nay, để trốn tránh lực lượng chức năng, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh chuyển từ bán hàng trực tiếp sang mạng xã hội hoặc các sàn giao dịch thương mại điện tử. Do sử dụng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, các đối tượng này đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng bị cuốn hút bởi các sản phẩm giá rẻ mà không quan tâm nhiều đến nguồn gốc, chất lượng. Điều này vô tình tiếp tay cho thị trường hàng giả phát triển.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay, tình trạng hàng giả đã trở thành vấn nạn, không chỉ với hàng sản xuất trong nước mà còn với hàng nhập khẩu. Hàng giả đe dọa an toàn của người tiêu dùng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bao nhiêu năm nay, cơ quan chức năng “chiến đấu” với hàng giả nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng phải kiểm tra chặt chẽ hơn để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả".
Tương tự, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG cho biết: "Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hiện tại, các thủ đoạn làm giả rất tinh vi, từ sao chép bao bì, tên thương hiệu đến mô phỏng công dụng và kết cấu sản phẩm, tất cả đều được sản xuất giống hệt hàng thật. Vì vậy, việc phân biệt hàng thật - giả ngày càng trở nên khó khăn. Trước những thách thức và hệ lụy từ hàng giả, đơn vị của chúng tôi đang cố gắng bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp bằng cách phát triển tem chống hàng giả công nghệ cao".
Cụ thể, đơn vị Vina CHG đã tạo ra các lớp bảo vệ đa dạng, giúp tem chống hàng giả có khả năng chống sao chép và bảo mật cao, đồng thời giúp người tiêu dùng dễ dàng xác thực sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị còn hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra xử lý hàng giả và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn nạn hàng giả, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Liên quan đến công tác phòng chống gian lận thương mại dịp cuối năm, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm xử lý vi phạm hàng hóa ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và người tiêu dùng.
Theo đó, các đơn vị sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc và gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại; tăng cường kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website và các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa và việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công bố chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm.