Theo thống kê kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý của cơ quan hải quan từ ngày 16/12/2016 đến ngày 15/8/2017, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, xử lý 5.179 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng hơn 250 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép xăng dầu không có hóa đơn chứng từ được ngụy trang cất giấu trong các tàu thuyền nhỏ. Ảnh: TH |
Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng thường sử dụng các phương thức như: Khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; giả mạo hồ sơ, chứng từ, điều chỉnh Manifest; “chọn luồng” để thông quan hàng hóa bằng cách hủy tờ khai nếu hệ thống phân luồng đỏ- kiểm tra thực tế hàng hóa; tìm cơ hội ủy thác cho doanh nghiệp chưa bị phát hiện, mượn tên doanh nghiệp trước đó chấp hành tốt pháp luật hải quan để làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Một số doanh nghiệp đã thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, hoặc không có địa chỉ đúng, doanh nghiệp không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở (địa phương không nắm được), thường xuyên thay đổi tên công ty khi làm thủ tục hải quan để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép trên các vùng biển, các đối tượng thường trang bị các thiết bị, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, thuê người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, chủ động thay đổi phương thức, thủ đoạn khi cần thiết. Khi bị phát hiện, bắt giữ, một số đối tượng dùng số đông uy hiếp, cản trở hoặc chống trả lực lượng chức năng nhằm tẩu thoát, phi tang tang vật khiến cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn. Những thủ đoạn trên đã gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng hải quan trong công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm trên tuyến đường này.
Ông Nguyễn Hùng Anh cho hay: Đấu tranh với hoạt động buôn lậu trên biển nói chung và chống buôn lậu xăng dầu riêng là một trong những công tác nghiệp vụ rất khó khăn, gian khổ, phức tạp bởi chống buôn lậu trên biển khác nhiều so với công tác đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời tiết, sóng gió, trang thiết bị phục vụ chống buôn lậu.
Trong khi đó, các đối tượng buôn lậu hoạt động có chiều hướng ngày càng liều lĩnh với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng luôn tìm cách chuẩn bị sẵn hồ sơ, chứng từ và các biện pháp để đối phó. Trong quá trình phát hiện, bắt giữ những vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu, đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt đối bí mật về đối tượng, biện pháp, về lực lượng và phải có sự tính toán toàn diện, lâu dài, quan trọng nhất là chọn thời điểm phá án; phải bắt được quả tang, quá trình điều tra phải công phu để ngăn chặn việc đối phó, tiêu hủy tang vật, tài liệu, chứng cứ.
Để bắt quả tang đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của đối tượng, xác định chính xác thời điểm, tổ chức tấn công nhanh, bất ngờ, các mũi tấn công phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Điều này không hề dễ bởi đặc thù của biển là sóng to, gió lớn, việc áp sát tàu vi phạm để lực lượng chống buôn lậu tiếp cận, tấn công tàu vi phạm rất nguy hiểm, chỉ cần sơ xảy là dễ xảy ra tại nạn hoặc cháy nổ gây thương vong, thậm chí thiệt hại đến tính mạng.
Trong khi đó, vùng biển rất rộng; đội tàu chống buôn lậu trang bị cho lực lượng hải quan một số đã cũ, công suất chưa đáp ứng tối đa yêu cầu công tác chống buôn lậu nên việc tuần tra, bắt giữ tàu buôn lậu xăng, dầu gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan còn gặp khó khăn trong vấn đề thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định. Cụ thể: Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức Phạt tiền và tịch thu hàng hóa vi phạm: Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016), thì thẩm quyền cấp Đội, Hải đội chỉ được tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vụ bắt giữ của cơ quan Hải quan có trị giá hàng vi phạm cao hơn (100 triệu đồng) so với quy định tại Nghị định.
Điều 79 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 quy định tạm giữ người là một biện pháp ngăn chặn, nhưng hải quan khi phát hiện tội phạm tại cửa khẩu lại không được phép tạm giữ, bắt người. Mặt khác, nhiều đối tượng phạm tội tại cửa khẩu có quốc tịch nước ngoài, nếu không quy định cơ quan hải quan được quyền bắt người, giữ người thì việc bắt giữ, điều tra, truy tố gặp khó khăn.