Ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa

Trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; đồng thời ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giảo mạo xuất xứ, chiều 19/7, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Nguyễn Phi Hùng đã chia sẻ với báo giới xung quanh các giải pháp của ngành hải quan.

Chú thích ảnh
 Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng (giữa ảnh) trao đổi thông tin với báo chí. Ảnh: Minh Phương

Thưa ông! Ông có nhận định gì trước những hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia?

Trong những năm qua, hành vi chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gian lận C/O có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã và đang diễn ra căng thẳng.

Phía hải quan nhận định sẽ xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp, tập đoàn từng đầu tư ở Trung Quốc rút vốn chuyển công nghệ, cơ sở vật chất sang nước khác, trong đó có Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu; đồng thời có những doanh nghiệp tìm cách chuyển tải hàng hóa gian lận C/O Việt Nam để hưởng lợi từ ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU. 

Lực lượng hải quan đã theo dõi tình hình thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc và giữa Việt Nam với các nước, chú ý các mặt hàng nhạy cảm có thuế suất cao, kim ngạch tăng đột biến. Đồng thời, theo dõi các doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường về năng lực sản xuất không phù hợp với số lượng hàng xuất nhập khẩu (XNK) để phát hiện những dấu hiệu gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp...

Chú thích ảnh
Kiểm tra hàng hóa XNK tại cảng Cái Lân - Quảng Ninh. Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia.

Qua việc kiểm tra, giám sát khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK và kiểm tra sau thông quan, thanh tra của cơ quan hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa ra sao, thưa ông?

Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Đối với xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm… để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Hoặc có tình trạng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu;
Thủ đoạn nữa là doanh nghiệp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.

 Ông có thể cho biết cụ thể một số vụ việc có dấu hiệu gian lận thương mại về C/O đã và đang được cơ quan hải quan điều tra làm rõ?

Cơ quan hải quan đã phát hiện mặt hàng khóa Việt Tiệp, loa, ván ép… nhập từ Trung Quốc nhưng giả C/O Việt Nam để xuất đi nước khác. Chúng tôi đã khoanh vùng 6 doanh nghiệp lớn có kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc tăng đột biến. Trong đó, mặt hàng chính được nhập là ván ép. Có doanh nghiệp đã nhập trong năm qua tới cả trăm tỷ đồng và có khối lượng xuất đi tăng bất thường. Tổng cục Hải quan đang tiến hành điều tra 6 doanh nghiệp này để làm rõ, xử lý. Ngoài việc làm giả C/O Việt Nam, các doanh nghiệp trên còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn.  

Qua điều tra, cơ quan hải quan đã xác định sai phạm của các doanh nghiệp này gồm: Sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ giả để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam…; ký kết các hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo từ các hộ dân với mục đích xin C/O để xuất đi nước ngoài. 

Trong đó có các công ty như: Công ty Hiếu Nghĩa (Lạng Sơn) đã nhập hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi là sản xuất ở Việt Nam. Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam. Công ty TNHH XNK Trần Vượng: Trong tờ khai hải quan khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh có xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên khi kiểm tra phát hiện trên thùng carton và mocro hang fhoas có ghi tiếng Việt là Loa NANOMAX…Qua điều tra, cơ quan hải quan phát hiện trên nhãn hàng nhập khẩu ghi sản xuất tại Trung Quốc.

Cơ bản có thể nhìn nhận các hình thức gian lận như hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, rồi dùng các thủ đoạn khác nhau xin cấp C/O Việt Nam để xuất đi nước ngoài (mang danh hàng Việt Nam), như 6 trường hợp chúng tôi đang điều tra làm rõ nêu trên. Đây cũng có thể gọi là gian lận C/O bằng hình thức chuyển tải bất hợp pháp. 

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

                     Trao đổi thông tin giữa các nước, xác minh việc gian lận xuất xứ
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, hải quan các nước đã gửi 286 yêu cầu xác minh liên quan đến nguồn gốc xuất xứ đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam, chủ yếu là hải quan Đài Loan (274 yêu cầu) tập trung vào các mặt hàng nông sản như nấm, hành, măng. Hải quan Việt Nam đã gửi 13 yêu cầu xác minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến mặt hàng nhôm, nông sản. Đối với nhóm hàng hóa xuất đi Đài Loan chủ yếu là hàng nông sản, đá hoa. Kết quả xác minh trên cơ sở dữ liệu cho thấy hầu hết các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua chưa phát hiện sai phạm, thông tin hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trùng khớp với thông tin khai báo nhập khẩu phía Đài Loan.
Minh Phương/Báo Tin tức
Gian lận xuất xứ có thể làm phát sinh các tranh chấp thương mại lớn
Gian lận xuất xứ có thể làm phát sinh các tranh chấp thương mại lớn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cảnh báo nguy cơ này trong bối cảnh các hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng để hưởng ưu đãi thuế quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN