75% mỹ phẩm là hàng giả
Nhìn nhận về thị trường tiêu dùng hiện nay, không ít doanh nghiệp khẳng định, hàng chính hãng ngày càng teo tóp dần. Ví dụ như mặt hàng mỹ phẩm, khoảng 75% thị phần mỹ phẩm bán ngoài thị trường là hàng giả và hàng nhập lậu, hàng chính hãng chỉ có 25% còn lại. Đặc biệt, 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bày bán tại các chợ không phải hàng thật.
Người tiêu dùng nên chọn mua mỹ phẩm tại các siêu thị, cửa hàng có uy tín. Ảnh: CTV |
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam, cho rằng hiện có tình trạng một số cửa hàng bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu nhưng một mực khẳng định là hàng nhập khẩu, hàng xách tay.
“Sợ bị nhận biết và mang tiếng là hàng giả nên giờ người bán hàng thường khẳng định là mỹ phẩm xách tay. Xách tay kiểu gì khi trong vòng một tuần có thể cung cấp hàng ngàn cây mascara. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã được bán tại nhiều chuỗi cửa hàng của Việt Nam, trong đó có cả những chuỗi cửa hàng danh tiếng”, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, các cửa hàng mỹ phẩm xách tay hiện nay “mọc lên như nấm sau mưa”, không ngừng giới thiệu sản phẩm làm đẹp xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… với giá siêu mền vì không phải chịu thuế. Ví dụ như loại nước hoa hồng Evduderm Lotion Tonique dung lượng 250ml của Pháp bán với giá 170.000 đồng/sản phẩm, thế nhưng hàng xách tay chỉ có giá 100.000 đồng/sản phẩm cùng dung lượng và 180.000 đồng/sản phẩm 500ml. Tương tự, dưỡng chất khoảng cô đặc Minéral 89 dung lượng 50ml của nhãn hàng Vinchy được bán với giá 1 triệu đồng nhưng tại các cửa hàng mỹ phẩm xách tay chỉ ở mức 700.000 đồng/sản phẩm.
Nhằm tạo niềm tin cho khách hàng khi thắc mắc về chất lượng sản phẩm, một nhân viên của một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) giải thích: “Bất kỳ cửa hàng nào cũng dính phốt xấu, cửa hàng chúng tôi không tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi đảm bảo ở đây bán hàng nhập khẩu và hàng xách tay chính hãng 100%. Trường hợp khách phát hiện và chứng minh được hàng giả cửa hàng sẽ đền bù 300%”.
Nắm được tâm lý "sính ngoại" của chị em phụ nữ, các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng và các trang mạng đua nhau giới thiệu mỹ phẩm ngoại. Thậm chí, các trang mạng cũng rầm rộ quảng cáo bán mỹ phẩm xách tay với một ma trận giá cả khiến người tiêu dùng "chóng mặt". Để vừa bán được sản phẩm có mức giá chấp nhận được, vừa muốn khách hàng tin dùng nên bất cứ trang mạng nào cũng lấy mác hàng xách tay để lý giải cho mức giá thấp hơn 30 – 40% so với hàng chính hãng.
Chị Đ.T.L chuyên bán hàng mỹ phẩm Hàn Quốc qua mạng cho biết, gia đình chị L có đến 3 người đang sống và làm việc ở Hàn Quốc vì vậy thường gởi mỹ phẩm về nước thông qua người quen. Khách hàng khi chọn phấn, kem nền, kem dưỡng, son… ở đây hoàn toàn an tâm tuyệt đối về chất lượng. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn vận chuyển hàng xách tay, chị L cho biết chị đang cần rất nhiều người nhận mỹ phẩm xách tay Hàn Quốc để bán với chiết khấu cao, lợi nhuận nhiều vì vậy rất khuyến khích tìm người vận chuyển hàng xách tay có uy tín.
Tăng mức xử phạt
Mặc dù khá lo lắng về mỹ phẩm xách tay được bày bán sang trọng tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, hiện nay các loại mỹ phẩm giả cũng được bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Tại TP Hồ Chí Minh, khu vực mỹ phẩm tập trung trọng điểm ở chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Kim Biên, chợ Bình Tây (quận 5)... Nhìn chung, mỹ phẩm giả tại các chợ được bán với giá từ 20.000 đồng đến 120.000 đồng, thậm chí nhiều sản phẩm có giá dưới 20.000 đồng.
Ghi nhận tại chợ tạm Bình Tây, một số cửa hàng đang chào hàng một dây son Matta gồm 24 thỏi với giá 265.000 đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi thỏi son chỉ ở mức 11.000 đồng. Khi được hỏi về xuất xứ hàng hóa, chủ cửa hàng phải mang sổ xách ra xem và thông báo là xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên trên bao bì sản phẩm xuất hiện toàn chữ Hàn Quốc với xuất xứ R.P.C. Ngoài mặt hàng son, các sản phẩm chống nắng, trị nám, sáng da, mờ vết thâm, chống lão hóa… được các chủ sạp liến thắng quảng cáo với bao bì in ấn quá nhỏ, mờ nhạt được biến tấu tên gọi như: Lamcome thay vì Lancome; Kenzzo thay cho Kenzo… Một số chủ sạp mỹ phẩm cho biết, khách hàng hoàn toàn an tâm chất lượng hàng hóa, giá cả vì ở đây vừa bán lẻ, vừa bán sỉ; sẵn sàng cung cấp một lượng lớn hàng hóa cùng hàng loạt mẫu mã, chủng loại khác nhau nếu khách hàng yêu cầu.
Một đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước. Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trước “ma trận” mỹ phẩm, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử phạt mỹ phẩm giả. Năm 2017, lực lượng quản lý thị trường thành phố kiểm tra 339 vụ vi phạm, thu giữ 1.250 kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu giữ 60.136 đơn vị mỹ phẩm các loại; tạm giữ 13.108 đơn vị mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu.
Để mạnh tay xử lý hàng giả, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết theo Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về khung hình phạt với “hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa” mức phạt cao nhất chỉ từ 7 - 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Mức phạt này đang thiếu tính răn đe, vì vậy cần tăng mức xử phạt cao hơn để tăng sức răn đe.
Trong khi đó, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cho rằng từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng của sự tăng cường hợp tác với các đơn vị liên quan để nâng cao hiệu quả công tác. Trong đó, việc doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cần thiết cho lực lượng chức năng về các vụ việc, đối tượng vi phạm là biện pháp khả thi nhất để từng bước đẩy mạnh các giải pháp thực thi, xử lý theo pháp luật.