An Giang là tỉnh vùng biên, phía Bắc và Tây Bắc giáp hai tỉnh Kandal và Takéo của nước bạn Campuchia với đường biên giới dài gần 104 km.
Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, đặc thù trên tuyến biên giới An Giang có nhiều đường mòn, lối mở nên các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển hàng lậu. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, cơ quan hải quan An Giang tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới.
Ông Trần Quốc Hoàn cho biết, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức vận chuyển như: đai vác bộ, sử dụng phương tiện xe gắn máy hoặc xuồng máy công suất lớn, cơ động, chạy với tốc độ cao nên việc bố trí bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Hàng nhập lậu thường được vận chuyển vào các giờ cao điểm như chập tối, nửa đêm gần sáng, bằng nhiều thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ, thuê người canh dò đường, theo dõi di chuyển của các lực lượng chức năng 24/24 giờ.
Tại tuyến đường sông qua các xã Khánh Bình, Khánh An thuộc huyện An Phú, lợi dụng đường biên giới là dòng sông chung, hàng hóa nhập lậu được vận chuyển bằng ghe máy trên sông thuộc địa phận phía Campuchia, sau đó tìm cách đưa qua biên giới vào nội địa bán kiếm lời.
Đối với mặt hàng đường cát, theo ông Trần Quốc Hoàn, thời gian qua đã xuất hiện thủ đoạn buôn lậu đường bằng cách chở bao bì có in sẵn nhẵn mác “Made in Vietnam” sang bên kia rồi tập kết đường và sử dụng bao bì đó để "tuồn" hàng về, sau đó hợp thức hóa bằng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước.
Theo ông Trần Quốc Hoàn, những bất cập từ việc cấp phép cho các cơ sở sang chiết, chế biến đường cát thành đường phèn gần biên giới đã gây nhiều khó khăn trong chống buôn lậu. Trong số đó, có hiện tượng doanh nghiệp mua hóa đơn đầu vào từ các doanh nghiệp kinh doanh đường và các nhà máy, công ty sản xuất đường để hợp thức hóa nguồn đầu vào cho đường nhập lậu, đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.
Đặc biệt, hoạt động của các đường dây buôn lậu có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng là đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tạo thành đường dây xuyên suốt để đối phó lực lượng chức năng.
Nằm cách thành phố Châu Đốc (nơi được ví như là "thủ phủ" buôn lậu của tỉnh An Giang) hơn 10 km, cửa khẩu Tịnh Biên dường như yên bình giữa khung cảnh xanh mát của rừng cây thốt nốt, nhưng đằng sau đó, khi bóng tối bao trùm, đội quân vận chuyển hàng lậu sẽ xuất hiện, liên tục vận chuyển các món hàng qua khu vực đường biên cửa khẩu với nhiều phương thức vận chuyển tinh vi.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Tịnh Biên Dương Thị Ngọc Huệ, do địa bàn tuyến biên giới giáp đường biên cánh đồng rộng đã tạo thuận lợi cho buôn lậu vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng xe thô sơ và phương tiện khác. Vào mùa khô, các đối tượng thuê người vác hàng qua biên giới, dùng xe máy chạy tốc độ cao chuyển vào nội địa. Còn vào mùa nước, các đối tượng dùng xuồng máy tốc độ cao để vận chuyển hàng lậu, gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu trong việc bắt giữ và xử lý.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Tịnh Biên chia sẻ, để bắt giữ các đối tượng đầu nậu, vận chuyển, lực lượng chức năng luôn phải phối hợp với nhau để “đánh án”, chia lẻ hoạt động khi ra khỏi trụ sở và tập trung tại một địa điểm khác, tạo ra những hành động bất ngờ khiến các đối tượng không kịp trở tay.
Bên cạnh đó, các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát cửa khẩu và địa bàn nhằm phát hiện, bắt giữ hàng hóa xuất nhập lậu qua biên giới; trong đó, chú ý đến hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.
Năm 2019, Cục Hải quan An Giang đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 76 vụ xuất nhập lậu trị giá hơn 7,4 tỷ đồng, tăng gần 5,2 tỷ đồng so với năm 2018 và giảm 11 vụ so với năm trước.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyến trái phép hàng hóa qua biên giới, cơ quan hải quan An Giang gặp không ít khó khăn như: phần lớn người dân ở khu vực biên giới không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thiếu việc làm ổn định dẫn đến dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, lực lượng hải quan chống buôn lậu đang thiếu tới 1/4 quân số so với yêu cầu. Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, hiện tại mỗi đơn vị cửa khẩu, lực lượng kiểm soát chuyên trách cũng chỉ từ 3 - 5 cán bộ công chức. Trong khi ngoài tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, thực hiện kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu, thu thuế…
Ngoài ra, việc phối hợp thông tin nghiệp vụ giữa các lực lượng chức năng chưa chủ động, thường xuyên và kịp thời, đặc biệt là những thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu. Việc phối hợp trong xác lập các chuyên án nhằm đấu tranh, triệt phá những đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn, phức tạp chưa thực hiện được nên hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ông Trần Quốc Hoàn đề nghị tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp chống buôn lậu giữa lực lượng hải quan - biên phòng - công an - quản lý thị tường, đồng thời đề cao vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị biên giới.
Đối với mặt hàng đường, Cục Hải quan An Giang kiến nghị các cơ quan chức năng tạm dừng cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường cát, đường phèn; cơ sở thu mua phế liệu trong khu vực biên giới; tăng cường phối hợp kiểm tra tình trạng, điều kiện hoạt động đối với các kho, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh đã cấp phép, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động những cơ sở này.
Cục trưởng cục Hải quan An Giang cũng đề xuất chính quyền địa phương tiến hành dẹp bỏ các tuyến đường mòn tự phát trên tuyến biên giới, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng, đồng thời giải tỏa các hộ dân đang sinh sống tại khu vực vành đai biên giới có hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép hoặc hành vi tiếp tay cho buôn lậu.
Lãnh đạo cục Hải quan An Giang cũng kiến nghị cơ quan thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự ở Trung ương xem xét có giải pháp phù hợp cho hải quan được gửi người phạm tội quả tang vào nhà tạm giữ của Công an hoặc Biên phòng nơi gần nhất khi phát sinh vụ việc để phục vụ xử lý vi phạm.