Đồng bộ các giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại

Tuần tin tức số 49 vừa có chuyên đề “Căng mình” chống buôn lậu cuối năm nêu lên những giải pháp đồng bộ, xuyên suốt trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lậu thương mại. Trong số báo này chúng tôi tiếp tục đăng tải ý kiến của Bộ Công Thương và ngành liên quan xung quanh biện pháp đối phó với những thủ đoạn tinh vi, manh động của giới buôn lậu.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương: 
Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật

Để nâng cao ý thức người dân, từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2018 các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Bộ đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Đa dạng hóa các nội dung, hình thức phù hợp để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi, chủ động tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả tạo sự đồng thuận trong xã hội.  Tuy nhiên, để làm tốt được công tác này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm bổ sung biên chế, kinh phí, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho lực lượng quản lý thị trường để có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Kiểm tra hàng nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Cục Hải quan Lạng Sơn).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế  Bờ Y (Kon Tum):
Thiếu cán bộ trong công tác tuần tra,  kiểm soát

Khó khăn nhất của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là thiếu cán bộ nên công tác tuần tra, kiểm soát, nắm bắt thông tin còn thiếu và chưa được thường xuyên. Đặc biệt, chính sự thông thoáng trong của hệ thống thông quan điện tử nên các đối tượng thường lợi dụng vào việc được phân luồng trước khi thông quan hàng hóa qua khu vực, từ đó thay đổi hàng hóa đã đăng ký thành các mặt hàng khác. 

Ví dụ, khi kê khai hàng hóa để thông quan, các doanh nghiệp biết được hàng hóa của mình nằm ở luồng đỏ, vàng hay xanh. Nên nếu nằm ở luồng xanh (luồng không bị kiểm tra hàng hóa bên trong) thì các đối tượng có ý đồ buôn lậu sẽ thay đổi hàng hóa có giá trị như gỗ để trục lợi. Để đảm bảo công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thời điểm cuối năm 2017, ngành hải quan Kon Tum đã tích cực chuẩn bị, xây dựng các phương án, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện thường xuyên và có hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng như Biên phòng để tiến hành kiểm tra các phương tiện như xe khách, hành lí từ Lào về Việt Nam... 

Tổ chức cao điểm các đợt tuần tra, truy quét khu vực cánh gà tại Cửa khẩu. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền về công tác đấu tranh, tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân. Năm 2017, số vụ vi phạm hành chính tăng 85%, số tiền phạt tăng 190,8% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm tháng 10/2017, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan 61 vụ, với tổng số tiền phạt 400 triệu đồng, tịch thu 01 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 0,860 m3 gỗ hương, trị giá 34.400.000 đồng và đã bàn giao cho Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi xử lý theo quy định và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với 0,364 m3 gỗ cẩm xẻ và 13.406 kg gỗ trắc, cẩm cành ngọn vi phạm về chính sách quản lý mặt hàng. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang):

Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân  chống buôn lậu 

Thời gian qua, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các buổi họp dân, kết hợp công tác vận động quần chúng trong từng hộ dân. Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, đến nay, những điểm nóng về nạn buôn lậu qua biên giới đã giảm rõ rệt. Đơn vị phấn đấu đưa những nơi này thành điểm trắng về buôn lậu...  

Ngay trong tháng 10 vừa qua, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, chính quyền, đoàn thể xã Mỹ Đức và ấp Mỹ Lộ tổ chức tuyên truyền về công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới. Rất đông bà con trong ấp tham gia buổi tuyên truyền; nhiều người kiến nghị cần có biện pháp mạnh hơn nữa trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có buôn lậu thuốc lá và hàng ngoại. Điều này cho thấy ý thức của người dân trong việc phòng chống buôn lậu đã được nâng lên.

Theo trinh sát của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, hiện nay, toàn ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức gần như không còn hộ dân tham gia buôn lậu, một số ít người do nông nhàn, đời sống khó khăn, vẫn tham gia vận chuyển hàng từ Bến Xuồng vào nội địa để kiếm thêm thu nhập. Để làm tốt hơn nữa công tác này, rất cần sự giúp sức của các ngành, cấp, đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh, ngăn chặn từ khi hàng lậu, hàng cấm xuất hiện ở khu vực biên giới. Lực lượng chức năng xử lý nghiêm những tư thương mua bán, trao đổi hàng lậu, hàng cấm trong nội địa.

V.T/Báo Tin tức
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN