Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (VP389) đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong những năm gần đây là rất lớn. Lực lượng chức năng đã khởi tố hàng chục nghìn đối tương song thực tế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến hết sức phức tạp. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Trong 5 năm qua (tính từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2019), lực lượng chức năng đã khởi tố 8.788 vụ với 10.404 đối tượng. Nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật, nhiều đường dây, ổ nhóm bị triệt phá. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cũng khiến chúng ta phải đối diện với tình trạng buôn lậu hết sức phức tạp cả quy mô và tính chất. Buôn lậu hoạt động ngang nhiên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, gây thất thu ngân sách , thiệt hại đối với doanh nghiệp chân chính. Nguy hại hơn, nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng...
Thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, những kết quả đạt được của hoạt động chống buôn lậu rất đáng ghi nhận song vẫn chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp... Công tác phối hợp trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại tại một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ... Do đó, công tác này tiếp tục cần được đẩy mạnh thường xuyên và quyết liệt hơn.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, phân công 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban và các Phó Trưởng ban, Ủy viên là các lãnh đạo bộ, ngành Trung ương.
Với tinh thần và trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để kiện toàn bộ máy hoạt động từ Trung ương đến địa phương và các định hướng, chiến lược chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp bách, toàn diện để thống nhất chỉ đạo phạm vi toàn quốc. Tiêu biểu là Nghị quyết số 41/NQ-CP (ngày 9/6/2015) đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg (ngày 30/9/2014) tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá...
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã ký và ban hành nhiều quyết định, kế hoạch chuyên đề và các công điện để chỉ đạo công tác này. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt đã phát huy được cả hệ thống chính trị tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo được cả bề rộng và bề sâu và đạt được kết quả khả quan.
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng hiệu quả, vậy theo ông đâu là giải pháp trong thời gian tới ?
Dự báo thời gian tới, diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và phức tạp cả địa bàn, quy mô và tính chất.
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tăng cường công tác phối hợp các lực lượng; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra; kịp thời xử lý những vụ việc nổi cộm... Quan tâm đến các mặt hàng liên quan đến sức khỏe cộng đồng, vi phạm sở hữu trí tuệ, các mặt hàng chiến lược đối với nền kinh tế (xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…).
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và đẩy mạnh công tác truyền thông đa dạng về hình thức tuyên truyền, để nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này; Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Không để đối tượng buôn lậu lợi dụng khoảng trống chính sách
“Tình trạng buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá điếu vẫn phức tạp, nạn vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía Bắc và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng. Các vụ việc phát hiện, xử lý năm 2018 chủ yếu là nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê. VP 389 cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng để rà soát các quy định của pháp luật, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, không để các đối tượng lợi dụng khoảng trống, sự chồng chéo của pháp luật để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng”, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trương Hòa Bình nói.
Thiết lập đường dây nóng và thư điện tử
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã triển khai thiết lập đường dây nóng: 0981.389.389, 0961.389.389; thư điện tử bcd389@customs.gov.vn, để tiếp nhận các đơn, thư phản ánh của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, bảo kê của các cá nhân, đơn vị thuộc các lực lượng chức năng.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!