Sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với sự phát triển xã hội
Khi theo dõi hội nghị Trung ương 5, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương đã nêu lên những vấn đề lớn, nội dung tác động trực tiếp đến đời sống, tâm tư tình cảm, sự phát triển của đồng bào, nhân dân cả nước. Trong đó, nội dung Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai được ông quan tâm.
Theo ông Trần Hùng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước khi thực hiện Nghị quyết về đất đai có nhiều thành công, thành quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ngoài những mặt tích cực cũng còn mặt hạn chế.
Thời gian gần đây, Luật Đất đai không kịp thời thay đổi để phù hợp với sự phát triển xã hội. Những năm qua, kẽ hở trong Luật tạo ra cho một số lực lượng, đối tượng có điều kiện vật chất lợi dụng thao túng, làm méo mó trong nhận thức tư duy đất đai. Ví dụ: xã hội phát triển, sự điều chỉnh của Nhà nước đối với chính sách về Luật Đất đai không theo kịp, giá cả đền bù đất của nhà nước và thực tế thị trường không khớp nhau, dẫn đến đụng chạm về quyền lợi. Vì vậy, khi nhà nước thu hồi đất giải tỏa làm dự án khó khăn, dẫn đến khiếu kiện, dự án đất đai kéo dài, dự án "treo" gây khó khăn cho nhà nước, nhân dân... Sự chênh lệch giá đất giữa quy định của Nhà nước so với thực tế quá lớn cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, liên quan đến đạo đức giữa người với người.
Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhìn thấy vấn đề này và đưa vào nội dung quan trọng của khóa XIII. Đây là nội dung kịp thời, sát thực tế. Ông Hùng mong rằng, sau Hội nghị Trung ương 5, Trung ương Đảng sẽ có quyết sách để Quốc hội có điều chỉnh và sửa đổi Luật Đất đai phù hợp, góp phần cải thiện lòng tin của nhân dân.
Ông Trần Hùng đề nghị, khi Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai cần nghiêm túc kiểm điểm đề ra hướng mới phù hợp, chặt chẽ hơn. Mặc khác, tiếp tục kiểm điểm, rà soát những trường hợp vi phạm để xử lý...
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên
Theo ông Nguyễn Hồng Ân, đảng viên khu vực Yên Thượng A, phường Lê Bình, quận Cái Răng, việc quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được Hội nghị Trung ương 5 đưa ra là một nội dung kịp thời. Bởi tổ chức cơ sở đảng là nền tảng góp phần giúp Đảng vững mạnh. Nghị quyết về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên là nội dung không mới nhưng kịp thời.
Ông Hồng Ân cho biết, gần đây, tổ chức cơ sở đảng có phát triển nhưng nền tảng chưa tốt. Đảng viên đấu tranh phê bình, tự phê bình chưa được mạnh dạn khiến cho vai trò, vị trí đảng viên giảm. Tổ chức cơ sở đảng hoạt động chưa mạnh; sinh hoạt chi bộ chưa đấu tranh thẳng thắn, mạnh dạn góp ý xây dựng, chỉ ra những thiếu sót của đảng viên.
Đảng viên Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh, vai trò của cấp ủy cơ sở đảng mạnh, đảng viên vững về phẩm chất đạo đức là cơ sở, là nền tảng để phát hiện nhân tố mới, những người có khả năng, tâm huyết; đồng thời, cơ sở đảng cũng là chỗ phát hiện đảng viên còn thiếu sót để bồi dưỡng. Tổ chức cơ sở là chỗ dựa của từng đảng viên, là nền móng vững chắc của Đảng. Vì vậy, sau Hội nghị Trung ương 5, nội dung xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên cần tiếp tục củng cố.
Đồng tình việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ông Nguyễn Văn Học, xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho biết, Hội nghị Trung ương 5 đưa ra nội dung về Đề án Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được người dân rất đồng thuận. Nội dung này lâu nay tác động hàng ngày đến đời sống, tâm tư tình cảm của người dân. Hiện nay, vấn đề tham nhũng, tiêu cực được nhắc đến nhiều và hầu như cấp nào, tổ chức, đối tượng, con người nào cũng có thể vướng vào.
Theo ông Nguyễn Văn Học, thời gian gần đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã có hiệu quả và thật sự có tác dụng, tạo được niềm tin của nhân dân đối Đảng, Nhà nước. Tuy nhiều cán bộ bị xử kỷ luật, xử lý hình sự, nhưng đây là việc cần phải làm để tạo được niềm tin cho nhân dân. Người dân còn quan tâm là còn niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Sau khi nghe Tổng Bí thư kết luận và Hội nghị Trung ương 5 thống nhất, biểu quyết, ông Nguyễn Văn Học đồng tình, ủng hộ chủ trương tiếp tục phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt Ban Chỉ đạo cấp tỉnh). Theo ông, khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trước hết phải tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu; chọn cán bộ, con người cụ thể vào Ban Chỉ đạo phải thật sự mẫu mực, tiêu biểu; phải có cơ chế làm việc của Ban Chỉ đạo rõ ràng, không vùng cấm (không có nghĩa là sát phạt nhau mà phải công tâm), nếu không có cơ chế rõ ràng sẽ có sự nể nang, né tránh. Vì vậy, phải kiên quyết chống tham nhũng, mới đảm bảo được sự công bằng. Hiện nay, cương lĩnh, hiến pháp, nghị quyết đã nói nhiều, đã đúng nhưng việc thực hiện mới quan trọng. Hy vọng, khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành lập sẽ phát huy được hiệu quả.