Tuyên Quang, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến là nơi khắc ghi sâu đậm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dấu ấn nhiệm kỳ
Với truyền thống lịch sử đáng tự hào, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thực hiện các khâu đột phá, các chương trình trọng tâm, đạt được những thành tựu, dấu ấn nổi bật, hoàn thành hầu hết các mục tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng bình quân 14,08%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.368 USD (mục tiêu Nghị quyết 1.300USD), hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Thành phố Tuyên Quang hôm nay. |
Thành tựu nổi bật nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của tỉnh Tuyên Quang là huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt, là hệ thống giao thông. Tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tỉnh hỗ trợ xi măng, ống cống và vận chuyển đến thôn, bản; chính quyền cơ sở và các thôn, bản, tổ, xóm tự giải phóng mặt bằng; nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu, công lao động làm đường bê tông với quy mô mặt đường rộng 3 m, bê tông dày 16 cm.
Đến nay, sau 5 năm triển khai, tỉnh Tuyên Quang đã làm được trên 2.750 km đường giao thông nông thôn, (vượt 23% so với mục tiêu đề ra và “về đích” trước hai năm so với mục tiêu của cả nhiệm kỳ) với tổng số tiền đầu tư là trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, Nhà nước hỗ trợ 48%; tỷ lệ thôn bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 99,6%... Chuyển biến mạnh về mạng lưới giao thông, đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuyên Quang còn tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, phát triển giáo dục mầm non được coi là nền tảng. Ngày 17/6/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 36 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh với những giải pháp lãnh đạo cụ thể, phù hợp thực tiễn, được toàn xã hội vào cuộc chăm lo cho thế hệ tương lai của quê hương, đất nước. Chỉ sau hai năm tích cực triển khai, thực hiện, Tuyên Quang có 798 phòng học cho trẻ 5 tuổi (204 phòng học kiên cố, 554 phòng học bán kiên cố, 67 phòng học đạt yêu cầu về diện tích); trong đó, có 317 phòng học được xây mới, 243 phòng được sửa chữa; xây dựng, hoàn thiện 294 phòng vệ sinh cho các lớp mầm non…
Năm 2013, Tuyên Quang đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, “về đích” trước 2 năm so với mục tiêu chung của cả nước và là tỉnh miền núi phía Bắc đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hiện, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, 100% các xã có trường mầm non, tất cả các thôn, bản, liên thôn bản có lớp mầm non; 100% các xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, các cụm xã có trường trung học phổ thông; gần 100% tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Đặc biệt, thành lập Trường Đại học Tân Trào, hoàn thiện đầy đủ các cấp học, tạo bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh…
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn thể hiện ở việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cho tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 437 người được đào tạo sau đại học; trên 21.600 lượt cán bộ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Trong 5 năm qua, mỗi năm tỉnh Tuyên Quang có trên 5.000 lao động được dạy nghề. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 27%…
Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, ngành công nghiệp ở Tuyên Quang vẫn duy trì tốc độ phát triển khá. Trong 5 năm qua, Tuyên Quang đã triển khai được 23 dự án công nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 13.200 tỷ đồng, với một số dự án quan trọng như: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy xi măng Tân Quang, Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa, Nhà máy thủy điện Yên Sơn… Qua đó, giúp giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015, đạt 6.500 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 1994), tăng 25% năm. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: Cam sành trên 4.600 ha, chè trên 8.000 ha, mía trên 13.000 ha, lạc trên 4.340 ha… Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn hợp lý một số xã để ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, hiện đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm…
Khai thác tiềm năng, phát triển bền vững
Những thành tựu tỉnh Tuyên Quang đạt được trong 5 năm qua, đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh hơn trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tuyên Quang vẫn còn nhiều hạn chế: Quy mô kinh tế còn nhỏ, thu hút đầu tư vào một số ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng một số lĩnh vực văn hóa, xã hội còn thấp, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…
Trước ngày Đại hội Đảng, trao đổi với chúng tôi đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ðại hội tỉnh lần này, những yếu kém, khuyết điểm trên sẽ được đặt lên bàn nghị sự, phân tích rạch ròi, tìm ra nguyên nhân đưa ra những giải pháp phù hợp cho bước đi tiếp theo. Với phương châm “Đoàn kết thống nhất, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, phát triển bền vững”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nêu cao quyết tâm chính trị, nắm vững tình hình, tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, nguồn lực, mở rộng liên kết, đổi mới mạnh mẽ và vững chắc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện các khâu đột phá, trọng tâm là phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái… Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm tự hào nhấn mạnh: Những đổi thay, phát triển trên quê hương cách mạng là minh chứng cho việc giữ gìn và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, là nền tảng vững chắc để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, từ đó huy động được sức mạnh của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng xây dựng Tuyên Quang phát triển. Đồng thời, là sự tri ân, động viên, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố và nhân dân cả nước đối với quê hương cách mạng. Với truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ đoàn kết một lòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất đã vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến…