Chiều 11/6, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bình luận về việc mới đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) về kế hoạch mở cửa lại thị trường với Liên minh châu Âu (EU), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Ngày 8/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA). Dự kiến, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia thành viên trong EU phê chuẩn. Việc Việt Nam và EU hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các Hiệp định này, theo chúng tôi, sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU. Khi đi vào triển khai, cả hai hiệp định này sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác liên kết kinh tế khu vực Á-Âu, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch, dựa trên luật lệ, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên, cũng như của hai khu vực Á-Âu và trên toàn thế giới. Có thể khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng cho việc triển khai các hiệp định này trên thực tế”.
Đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam-Hoa Kỳ
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ có động thái điều tra sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 76 tỉ USD trong năm 2019. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Việt Nam thực thi nghiêm túc và đầy đủ cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các bộ, ngành Việt Nam cũng tích cực và chủ động triển khai các nhiệm vụ nêu tại Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/7/2019.
Liên quan đến động thái nêu trên của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chúng tôi cho rằng vấn đề cần được xem xét khách quan và công bằng, phù hợp với các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp Việt Nam-Hoa Kỳ, qua đó đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước”.
Sớm đưa 22 công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Nepal về nước
Tại họp báo, thông tin về 22 công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Nepal, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Tôi đã cập nhật thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal. Được biết, hiện nay có 22 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nepal do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian qua, do các quy định hạn chế xuất nhập cảnh, quá cảnh của nước sở tại cũng như các quốc gia khác trong khu vực, những công dân này chưa thể trở về Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal đã chủ động liên hệ, phối hợp với Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Kathmandu, thủ đô của Nepal và Hội Người Việt Nam tại Nepal, thường xuyên giữ liên hệ với các công dân, hỏi thăm, nắm tình hình, liên hệ hỗ trợ công dân tìm nơi cư trú và lưu ý các công dân phải thực hiện nghiêm túc các quy định của sở tại.
Hiện nay, Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở trong nước, cũng như tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh để thu xếp sớm đưa các công dân này về nước, đáp ứng các nguyện vọng của công dân theo thực tế sở tại và năng lực cách ly ở trong nước”.