Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc tại Hoàng Sa

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh “Việt Nam một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17/3, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như: cho tàu Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ tải trọng 10.000 tấn đưa 300 khách ra đảo Ốc Hoa; xây dựng cảng hàng không với đường băng 3.500m ở Đảo Cây; lấn biển ở khu vực cụm đảo An Vĩnh…, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa".

Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Những hành động này không chỉ đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương; mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế; có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Trả lời câu hỏi về việc gần đây nhiều ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân ở miền Trung thông báo với cơ quan chức năng rằng họ liên tục bị tấn công bởi các tàu của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào là không thể chấp nhận được và chúng tôi kiên quyết phản đối. Gần đây nhất, theo các cơ quan chức năng trong nước, tàu cá của tỉnh Quảng Nam mang số hiệu Qn a91939TS cùng với 10 thuyền viên trên tàu trong lúc đang hoạt động bình thường trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và cũng là ngư trường truyền thống bao đời nay của các ngư dân Việt Nam thì bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46101 khống chế và lấy đi một số tài sản trên tàu. Đây là các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông ( D OC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vô nhân đạo này, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi của các lực lượng chức năng Trung Quốc, đồng thời bồi thường thiệt hại cho các ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các hành vi tương tự”.

Tại họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết thông tin về khoảng 40 lao động Việt Nam gửi thư cầu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, phản ánh về điều kiện ăn ở thiếu thốn và phải làm việc trong môi trường độc hại.

Ông Lê Hải Bình cho biết: “Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 15/3/2016, Ban Quản lý lao động của Đại sứ quán đã nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của đại diện lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Theo đó, đại diện của các lao động cho biết là sau khi đến Nhật Bản một số người này đã phải làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện sinh hoạt kém và không đảm bảo sức khỏe.

Ngay sau khi nhận được đơn phản ánh, Ban quản lý lao động đã làm việc ngay với đại diện công ty và đề nghị phía công ty xem xét lại việc chủ sử dụng lao động đã thu các khoản tiền khá cao so với thực tế điều kiện sinh hoạt của người lao động. Ban Quản lý lao động cũng đã đề nghị với phía Nhật Bản cũng như phía công ty phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để cùng kiểm tra điều kiện sinh sống và làm việc của các lao động Việt Nam, đồng thời gặp gỡ với đại diện lao động để phối hợp giải quyết các vấn đề về quyền lợi, chế độ của người lao động, phù hợp với luật pháp cũng như thực tế của Nhật Bản. Nếu chủ sử dụng lao động không đáp ứng những yêu cầu này, Đại sứ qu án Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản can thiệp. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ vụ việc này và phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam”.

Về phản ứng của Việt Nam trước việc Malaysia gần đây tuyên bố đã bắt giữ 42 ngư dân Việt Nam, tịch thu nhiều ngư cụ và tài sản liên quan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin này từ rất sớm. Ngay sau khi nhận được thông tin, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, đồng thời có các biện pháp để bảo hộ quyền lợi chính đáng của 42 ngư dân Việt Nam”.


Về quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc thông báo kế hoạch tăng lượng xả nước tại đập thủy điện Cảnh Hồng trên sông Mê Công, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Thông qua các kênh ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam (Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mê Công, góp phần khắc phục hạn hán cũng như tình trạng xâm nhập mặn ở một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngày 14/3/2016, Đại diện Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã gặp Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo rằng, từ ngày 15/3/2016 đến ngày 10/4/2016, phía Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam xuống hạ lưu (từ mức 1100m3/s lên 2190m3/s), gấp đôi so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước. Trước khi đề nghị với phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng các phương án cụ thể nhằm khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Về những tác động cụ thể của việc xả nước, các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam sẽ có những đánh giá sâu sắc và chi tiết hơn. Về phía Bộ Ngoại giao, chúng tôi đang tích cực trao đổi với phía Trung Quốc cũng như các quốc gia sông Mê Công để cùng nhau sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông cũng như những người dân sinh sống tại khu vực này”.

Cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc truyền thông Singapore đưa tin Thái Lan đang có kế hoạch dự trữ một lượng lớn nước sông Mê Công để phục vụ nông nghiệp nước này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Lập trường của Việt Nam về việc sử dụng nguồn nước sông Mê Công đã nhiều lần được nêu rõ. Chúng tôi cho rằng các quốc gia liên quan phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, đảm bảo các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công không gây ảnh hưởng đến môi trường của các nước ven sông Mê Công, nhất là các nước hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế đ ã quy định của Ủy hội sông Mê Công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông cũng như của người dân sinh sống trong khu vực. Liên quan đến động thái cụ thể của Thái Lan, tại cuộc họp lần thứ 43 của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 15-17/3/2016, Đoàn Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị phía Thái Lan sớm cung cấp thông tin cụ thể về kế hoạch nêu trên”.

Liên quan đến vụ việc cô gái tên Hoàng Thị Hiệu nhảy ra khỏi ô tô kêu cứu ở thành phố Quế Lâm, Trung Quốc, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc nhanh chóng tìm hiểu, xác minh thông tin và tiến hành các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với cô gái này. Theo thông tin ban đầu mà Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh cung cấp, chị Hoàng Thị Hiệu đã theo bạn nhập cảnh trái phép vàoTrung Quốc tại vùng biên giới Lào Cai - Vân Nam ngày 9/3/2016. Hiện nay, chị Hoàng Thị Hiệu đang bị tạm giữ tại Công an thành phố Quế Lâm, Trung Quốc để hợp tác lấy lời khai do việc nhập cảnh trái phép. Hai người đi cùng ô tô bị tình nghi là đối tượng buôn bán người cũng đang bị Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bắt giữ. Vụ việc đang được điều tra. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Quảng Tây (Trung Quốc) để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam”.

Xuân Vịnh-Thùy Dung (TTXVN)
5 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa trở về an toàn
5 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa trở về an toàn

Liên quan vụ tàu cá KH 96640 TS bị chìm ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, lúc 16 giờ ngày 15/3, tàu cá KH 96386 TS đã đưa 5 ngư dân bị nạn về đến cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN