Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Công tác quần chúng Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị thông báo Kết luận số 160-TB/TW ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức vào chiều 19/5 tại Hà Nội.
Phát huy quyền làm chủ nhân dân
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị khóa X (2009-2019), Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các hoạt động chú trọng tăng cường đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện xã hội, sâu sát cơ sở; phối hợp hiệu quả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; quan tâm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Theo đó, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, khơi dậy động lực trong nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW trong tình hình mới, tại Kết luận số 160-TB/TW, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, công tác mặt trận - đoàn thể góp phần tạo đồng thuận xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với kỷ cương, pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước.
Bộ Chính trị đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời tạo sự đồng thuận, tập hợp nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về chính sách, pháp luật; phối hợp kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, mặt trận và đoàn thể; giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư.
Kết luận cũng nêu rõ nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; bảo đảm tính hệ thống, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiệu quả hoạt động; tinh gọn đầu mối bên trong của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Trung ương đến cơ sở.
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, ngay từ khi thành lập, Đảng đã đề cao vai trò của công tác vận động quần chúng nhân dân với sự ra đời của Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội (10/1930), trong đó đề ra các nhiệm vụ: Công nhân vận động, nông dân vận động, thanh niên vận động, phụ nữ vận động… “Đây là cơ sở quan trọng để đất nước trải qua nhiều giai đoạn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; đất nước vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được thành công ngày hôm nay”, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ.
Qua đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức quán triệt, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm; đưa Kết luận số 160-TB/TW đi vào chiều sâu đời sống, có kết quả thực chất và phù hợp với tình hình mới. Các tổ chức có nhiệm vụ phân tích sâu sắc tình hình số lượng và chất lượng, nhìn thẳng vào thực lực của từng tổ chức, bởi hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội đang tập hợp khoảng 50% dân số Việt Nam với gần 48 triệu đoàn viên, hội viên.
Bên cạnh thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở bảo đảm tính hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy; gắn với đổi mới, nâng cao phương thức hoạt động trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác kiện toàn cán bộ, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định: “Không bố trí cán bộ có dư luận không tốt, vi phạm kỷ luật của Đảng làm công tác mặt trận, đoàn thể. Chú trọng lựa chọn cán bộ làm công tác vận động quần chúng gương mẫu, có kinh nghiệm, uy tín trong xã hội, trưởng thành từ phong trào quần chúng để làm công tác mặt trận - đoàn thể, để vận động quần chúng nhân dân”.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có ý kiến trao đổi, thảo luận nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay.