Sau 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với cả nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đó, từ thực tiễn của địa phương, đặc biệt là kết quả của 30 năm đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt vai trò "đi trước và về trước".
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo . Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Đây là một trong những nội dung được thể hiện nổi bật tại Hội thảo khoa học "Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/3.
Trong bài đề dẫn, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: “Với truyền thống năng động, sáng tạo, không chịu bó tay trước khó khăn, trói buộc của cơ chế không phù hợp, thành phố thực hiện nhiều mô hình thí điểm tháo gỡ sản xuất, có cơ chế “tự sản, tự tiêu” cho doanh nghiệp quốc doanh. Từ thực tiễn thành phố đã góp phần quan trọng vào nội dung đường lối đổi mới của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ”.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết: Thực tiễn còn cho thấy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội; khơi dậy và giải phóng sức sản xuất, nguồn lực to lớn từ nhân dân; các thành phần kinh tế được phát triển, kinh tế nhà nước được sắp xếp lại, hoạt động ngày càng hiệu quả; kinh tế tập thể được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh chóng, có đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào sự phát triển kinh tế của thành phố cũng như cả nước.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: “ Một trong những thành tựu quý báu của Thành phố Hồ Chí Minh đối với công cuộc đổi mới của đất nước là từ thực tiễn sinh động, sáng tạo của mình, thành phố đã góp phần quan trọng, rất tích cực vào quá trình tìm tòi, nghiên cứu hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nhất là về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ” .
Cụ thể hơn, theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học Tài Chính – Marketing cho biết, nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn kinh tế sôi động của thành phố đã được ban hành và thực hiện thành công; đặc biệt thành phố đã có những đóng góp quan trọng vào sự hình thành và hoàn thiện thể chế chính sách vận hành kinh tế thị trường của nước ta thời gian qua.
Nhiều mô hình kinh tế xuất phát từ ý tưởng và thực hiện thành công tại thành phố, điển hình như thí điểm thành công việc hình thành khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1991; tổ chức sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; thành phố cũng là nơi ra đời giao dịch chứng khoán thông quan Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh...
Với những nỗ lực, 40 năm qua, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới với yêu cầu “đi trước và về đích trước”, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu nổi bật. Cụ thể là kinh tế giữ mức tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng, quy mô được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện; kinh tế thành phố chiếm tỉ trọng ngày càng cao, đến nay chiếm hơn 21% GDP và có tốc độ tăng trưởng từ 1,6 đến 1,7 lần tốc độ tăng GDP của cả nước, đóng góp 30% ngân sách quốc gia.
Đảng bộ thành phố quán triệt đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn th ử nghiệm cơ chế, chính sách mới để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển các loại thị trường, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh các nguồn lực xã hội cho phát triển.
Thành phố thực hiện nhiều chính sách thu hút các nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; không gian đô thị mở rộng, phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa - xã hội, cải thiện dân sinh; chỉnh trang đô thị, làm cho hệ thống hạ tầng, diện mạo đô thị ở nhiều khu vực thay đổi rõ rệt, góp phần nâng chất lượng sống nhân dân.
Đời sống nhân dân được cải thiện, số hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 2,78%. Cùng với đó, thành phố giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt nâng cao thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, không để xảy ra điểm nóng, tình huống mất ổn định. Đây là một trong những kinh nghiệm quý; vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của quá trình đổi mới.
Theo ông Lê Thanh Hải, với vị trí, vai trò và tiềm năng của thành phố, cũng như so với sự phát triển của các nước trong khu vực, thì thành phố vẫn còn nhiều điều trăn trở, trước những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Đồng chí Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Đó là năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; vấn đề quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; tình trạng ngập nước; ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông; chất lượng nguồn nhân lực; quá tải ở một số bệnh viện; an toàn vệ sinh thực phẩm; thủ tục hành chính… trong đó có những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân.