Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Hành chính công

Chiều 4/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra dự án Luật Hành chính công.

Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các thành viên Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Kinh tế và đại diện một số bộ, ngành liên quan.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, chuẩn hóa ở tầm luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Dự án Luật cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và hoạt động của bộ máy công quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Ban soạn thảo cũng nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Luật, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, đây là dự án Luật do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình. Thời gian qua, Ban soạn thảo đã rất nỗ lực, tiến hành các công việc cần thiết chuẩn bị hồ sơ dự án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật và văn bản tham gia ý kiến của Chính phủ cho thấy, Chính phủ còn băn khoăn về nhiều nội dung từ sự cần thiết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật… Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều ý kiến của Chính phủ và cho rằng, do khối lượng công việc quá lớn, đội ngũ giúp việc mỏng, quá trình soạn thảo gặp nhiều khó khăn nên việc chuẩn bị cho dự án Luật không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế cần phải được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, hai nội dung lớn mà dự án Luật Hành chính công đề cập là Thủ tục hành chính và Dịch vụ công là những nội dung đã được quy định trong nhiều luật và văn bản dưới luật. Đặc biệt, hai lĩnh vực này đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành với nhiều đổi mới có hiệu quả. Để đảm bảo tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành thì chỉ nên xây dựng Luật theo hướng quy định về cách thức xây dựng, ban hành, thực hiện, kiểm soát thủ tục hành chính, bao gồm cả dịch vụ công như là một công đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng cho rằng, cần phải có sự tham gia của các bộ, ngành và có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Dự án Luật này liên quan đến bộ máy từ Trung ương đến địa phương nên nếu thiếu sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao thì mặc dù chủ trương này rất đúng nhưng khó thực hiện. Mặt khác cần có đánh giá toàn diện tất cả các vấn đề thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính, hành chính công… mà đánh giá này không ai thực hiện tốt hơn là Chính phủ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ một thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì cần đảm bảo nguyên tắc, đáp ứng điều kiện gì? Một cơ quan nhà nước muốn ban hành thủ tục hành chính mới thì phải tuân thủ quy trình gì? Bên cạnh đó, phải có phản biện, đánh giá độc lập về chi phí mà người dân, doanh nghiệp thực hiện, hệ thống cơ quan nhà nước hiện có. Quy định rõ ràng như vậy thì người dân và doanh nghiệp có thể dựa trên luật này để giám sát thủ tục hành chính.

Một số ý kiến đề nghị cần phải tổng kết toàn diện các quy định của pháp luật có liên quan; làm rõ mối quan hệ của Luật Hành chính công với các Luật hiện hành; đánh giá cụ thể cả về định tính và định lượng chính sách về dịch vụ công, đặc biệt là vấn đề liên quan đến dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích để lựa chọn phương án tối ưu quy định trong Luật.

Phan Phương (TTXVN)
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp thẩm tra dự án Luật Hành chính công
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp thẩm tra dự án Luật Hành chính công

Sáng 4/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN