Tiếp tục lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Ngày 5/3, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Ủy ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38 của Quốc hội khóa XIII về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thường trực HĐND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều hình thức lấy ý kiến đóng góp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp người dân... đã góp phần thuận lợi cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, trí tuệ vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến ngày 4/3, tỉnh Bắc Ninh đã có 100% đơn vị cấp xã, các phòng, ban cấp huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân với gần 9.000 lượt người tham gia hơn 6.500 ý kiến. 13 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã triển khai tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.


Sau khi nghe báo cáo chung và các ý kiến của đại diện các đơn vị chức năng của địa phương, Phó Chủ tịch nước hoan nghênh ý thức trách nhiệm, tinh thần khẩn trương, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, các ngành tỉnh Bắc Ninh trong chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh với những cách làm hay, sáng tạo. Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý tỉnh cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề lớn liên quan đến vận hành bộ máy nhà nước và một số vấn đề mới như: Chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính quyền địa phương; việc kiểm soát quyền lực nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, HĐND, Kiểm toán, quyền con người, quyền công dân, chính quyền nhân dân… Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để đông đảo các tầng lớp nhân dân nắm được và tích cực tham gia; tập hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến đóng góp.


* Ngày 5/3, Đoàn công tác Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về việc lấy ý kiến nhân dân tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh trong công tác triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền sâu rộng và lấy ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và ngư dân vùng biển để tập hợp ý kiến một cách đa dạng.


Tỉnh Hà Tĩnh cùng đề nghị Ủy ban dự thảo cần xem xét kéo dài thêm thời gian để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn của các tầng lớp nhân dân và trí thức, bởi trước đó việc lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Dự thảo Hiến pháp trùng vời thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán nên việc triển khai gặp khó khăn.


Theo số liệu thống kê tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 746 hội nghị quán triệt triển khai lấy ý kiến đóng góp và hơn 2.100 buổi sinh hoạt của chi bộ, thôn, xóm. Ở cả ba cấp tỉnh huyện, xã có trên 150.000 lượt cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


* Ngày 5/3, HĐND tỉnh Lâm Đồng (khóa VIII) đã tổ chức kỳ họp thứ 6 - kỳ họp chuyên đề để lấy ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.


Theo các đại biểu, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã thể hiện rõ tính dự báo và đảm bảo lâu dài, có nhiều bước tiến, nhiều ưu điểm và nét mới hơn trước. Dự thảo Hiến pháp đã xác lập nhiều vấn đề quan trọng như cơ chế kiểm soát quyền lực giữa 3 hệ thống cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp, đảm bảo phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xác lập cơ chế đảm bảo việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự thảo Hiến pháp cũng đồng thời có nhiều đổi mới về việc xây dựng Chính phủ và chính quyền địa phương, theo hướng tinh gọn bộ máy chính quyền các cấp, đã gắn việc xây dựng bộ máy chính quyền với đặc thù của vùng nông thôn - đô thị.


Đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về vấn đề bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một số đại biểu tỉnh là người dân tộc thiểu số đề nghị bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 5 thành “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc và phân biệt chủng tộc”, hoặc bổ sung theo hướng “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ giữa các dân tộc”, để rõ ý và đầy đủ hơn.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN