Đại hội đồng IPU-132:

Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước”.

Phiên thảo luận diễn ra dưới sự chủ tọa của bà N.Marino, đại diện Nhóm Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng.

Nước là nhân tố cốt lõi của cả 3 khía cạnh phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Nước không chỉ cần thiết cho các nhu cầu cơ bản của con người, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, sản xuất năng lượng và lương thực, phát triển kinh tế, bảo tồn các hệ sinh thái của Trái đất. Tuy nhiên, do tài nguyên nước chỉ có giới hạn nên vấn đề quản trị nguồn nước đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết cho các chính phủ và nghị viện trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh chịu nhiều áp lực từ các nhân tố như tăng trưởng dân số, biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và thiếu sự phối hợp trong việc sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN


Do đó, tại các phiên họp trong hai ngày 29 và 30/3 của Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại, các đại biểu đã có các buổi thảo luận sôi nổi về từng nội dung trong dự thảo Nghị quyết do hai đồng báo cáo viên là nghị sĩ I.Cassis của Thụy Sĩ và nghị sĩ J.Mwiimbu của Zambia đệ trình, cũng như cho các ý kiến đề xuất, góp ý được các nghị viện thành viên và Hội nghị Nữ nghị sĩ trình lên trước đó. Từng nội dung và đề xuất cho dự thảo được các đại biểu thông qua bằng hình thức biểu quyết tại chỗ.

Tại các phiên thảo luận, các ý kiến và đề xuất đều nhấn mạnh đến yếu tố trung tâm của con người trong quản trị nguồn nước; việc đảm bảo nhân quyền, nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em, trong sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước; tác động nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nước đối với cuộc sống của người dân và quá trình phát triển; việc tuân thủ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận và công ước về nước đã được ký kết.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thay mặt đoàn Việt Nam, đưa ra 3 kiến nghị. Trong đó hai kiến nghị đầu về “kêu gọi các nước có chung nguồn nước tăng cường hợp tác trong các vấn đề liên quan đến nguồn nước quốc tế và nghiêm túc xem xét việc tham gia các khuôn khổ pháp lý quốc tế về hợp tác nước xuyên biên giới” và “khuyến khích các nghị viện hối thúc các chính phủ tôn trọng những cam kết đã đưa ra trong việc bảo vệ các nguồn nước sạch, thực thi các công ước khu vực và quốc tế, các thỏa thuận về sử dụng hiệu quả, thích hợp nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác vì mục tiêu phát triển bền vững” trùng với ý kiến phát biểu trước đó của các đoàn khác nên được tiếp thu, chỉnh sửa chung trong dự thảo Nghị quyết.

Kiến nghị thứ ba về việc bổ sung ý “kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển trong nỗ lực quản trị nước, bao gồm lập kế hoạch, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước hướng tới phát triển bền vững” đã nhận được sự ủng hộ cao.

Các đại biểu biểu quyết tại phiên họp. Ảnh: TTXVN


Cũng trong chiều 30/3, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề “Theo dõi Nghị quyết về quản trị nguồn nước của IPU: Tiến về phía trước” nhằm trao đổi ý kiến và đưa ra đề xuất về những hoạt động có thể tiến hành sau khi Nghị quyết về quản trị nguồn nước được thông qua tại Đại hội đồng IPU-132. Chủ tịch Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại, nghị sĩ R.Léon của Chile, chủ trì phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đại diện các Nghị viện quốc gia thành viên đã tập trung vào 3 nội dung chính theo gợi ý của ban đại diện là nâng cao nhận thức về Nghị quyết IPU, những cơ hội sử dụng Nghị quyết IPU về quản trị nguồn nước ở các quốc gia và những hoạt động tiếp theo của các nghị viện để thực hiện Nghị quyết IPU. Nhìn chung, các đại biểu thống nhất về tác động mạnh mẽ của nước đối với cuộc sống, khẳng định quyền được sử dụng nước sạch là quyền cơ bản của con người; đồng thuận về sự cần thiết thực thi Công ước 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy; khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết và các Nghị viện cần nỗ lực thực hiện Nghị quyết của IPU trên thực tế.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn Việt Nam tham dự IPU-132 nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết IPU về “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”. Theo ông, với ý tưởng và tinh thần của Đại hội đồng IPU-132 là “biến lời nói thành hành động”, sau khi thảo luận và thông qua Nghị quyết tại Đại hội đồng IPU, các Nghị viện thành viên cần có những hành động cụ thể tập trung vào 6 nội dung.

Cụ thể là rà soát Luật Tài nguyên nước và các luật, quy định có liên quan trong khuôn khổ pháp lý quốc gia; rà soát, thông qua và giám sát việc thực hiện các chiến lược quốc gia, chương trình, kế hoạch và dự án về quản trị nguồn nước; phân bổ ngân sách thích đáng cho hoạt động quản trị nước; kiện toàn hệ thống tổ chức và bộ máy quản lý ngành nước. Bên cạnh đó, cần phổ biến nội dung Nghị quyết tới cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân để nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội và thúc đẩy xây dựng các chương trình giáo dục đào tạo về quản trị nước; đẩy mạnh ngoại giao ngành nước, tập trung vào ngoại giao Nghị viện để thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về quản trị nước, hình thành cơ chế đối thoại thường xuyên với các quốc gia láng giềng, chia sẻ thông tin về tài nguyên nước và các vấn đề liên quan trong công tác quản trị nước, trao đổi kinh nghiệm về sự tham gia của Nghị viện đối với quản trị nước.


Thúy Hà (TTXVN)

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chính thức làm Chủ tịch IPU-132
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chính thức làm Chủ tịch IPU-132

Trong Phiên thảo luận chung thứ nhất của IPU, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN