Hội nghị đã ra thông cáo chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác nội khối và với các đối tác, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao cũng như những quyết tâm, sự đồng thuận của ASEAN trong việc chuyển tới thế giới tiếng nói của khối đối với các vấn đề nội bộ, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như quan điểm của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và trên thế giới.
Đây là một trong những đợt hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 với sự tham dự của 27 đoàn thuộc 4 châu lục với các múi giờ khác nhau. Trong khuôn khổ sự kiện, khoảng 20 hội nghị, phiên họp cấp bộ trưởng diễn ra với khoảng 40 văn kiện được xem xét, ghi nhận và thông qua.
Hội nghị diễn ra bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp do những cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở một số điểm nóng; đại dịch COVID-19 hoành hành với những làn sóng lây nhiễm mới gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN cũng như các bên đối tác, đối thoại. Đây cũng chính là những nội dung chính được đề cập tới trong các hội nghị và cũng như mọi năm, vấn đề Biển Đông là nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực.
Trong số các văn kiện được thông qua, nổi bật là Thông cáo chung của AMM 53, trong đó đề cập rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ghi nhận tất cả những kết quả công tác của ASEAN trong thời gian qua, cũng như ghi nhận tất cả những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam trong năm 2020 như lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực cũng như việc lập ra các tiêu chuẩn ứng phó với dịch bệnh, xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, Thông cáo chung cũng ghi nhận việc thể hiện quan điểm của ASEAN về các vấn đề của khu vực và thế giới. Vấn đề Biển Đông được đề cập thích đáng trong Thông cáo chung AMM 53, thể hiện sự quan tâm và những quan điểm cơ bản cũng như những mong muốn của ASEAN, trong đó có việc ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) chất lượng, tổng thể và phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Ngoài các hội nghị riêng rẽ của ASEAN với các nước đối tác, đối thoại như ASEAN +3, ASEAN-Liên minh châu Âu (EU), ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hoa Kỳ, ASEAN – Australia, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ… trong khuôn khổ chuỗi sự kiện này còn có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 10, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF); Đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR); Đối thoại cấp bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững.
Đáng chú ý là ARF, diễn đàn hàng đầu trao đổi về hợp tác an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với ASEAN ở vị trí trung tâm, ARF đã trở thành một động lực chính trong xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực thông qua các sáng kiến xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa đa dạng, phong phú. Các bộ trưởng Ngoại giao đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch ARF lần thứ 27, Tuyên bố ARF về phòng chống sự bùng phát của dịch bệnh truyền nhiễm,…
Trong khuôn khổ Hội nghị AMM 53 và các hội nghị liên quan, Đối thoại giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), thành viên Nhóm phụ nữ ASEAN về hòa bình và hòa giải, cho biết trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất mới nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN trên cả ba trụ cột, đặc biệt là nâng cao năng lực thích ứng và cam kết của ASEAN trước những thách thức mới, trong đó có đại dịch COVID-19. Một trong những sáng kiến khởi đầu và quan trọng được Việt Nam đưa ra là Phiên họp đặc biệt của các lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số tại Hội nghị Cấp cao 36 diễn ra ngày 26/6/2020. Tiếp nối sáng kiến này là Đối thoại giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững.
Đối thoại giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm 20 năm đánh dấu và đánh giá Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc thông qua tháng 10/2000 về phụ nữ, hòa bình, an ninh, mà còn có ý nghĩa lớn hơn nữa, đó là định hướng cho các hoạt động sắp tới của ASEAN trong thời gian tới về phát huy vai trò của phụ nữ trong đóng góp cho hòa bình, hòa giải của khu vực, khi rất nhiều vấn đề mới đang đặt ra.
AMM 53 cùng các hội nghị liên quan thành công một lần nữa khẳng định vai trò dẫn dắt và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của nước Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam. Sự nỗ lực của Việt Nam cùng những ý tưởng sáng tạo để thích nghi với tình hình mới đã nhận được những đánh giá tích cực của giới chức và chuyên gia, học giả nhiều nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, Trưởng SOM ASEAN Lào, đã đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị AMM 53 và các hội nghị liên quan của Việt Nam, không chỉ tổ chức thành công mọi sự kiện theo mục tiêu đề ra, mà còn hoàn thành việc trao đổi, thảo luận các tài liệu theo kế hoạch trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp cả khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, các ưu tiên mà nước Chủ tịch ASEAN đề ra đều đạt tiến triển tốt.
Theo Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN, ông Lim Sungnam, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã rất sáng tạo nhằm thúc đẩy các ý tưởng, như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, cũng như xây dựng Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Nhà ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ vui mừng khi tất cả các nước tham dự đã có thể cùng nhất trí về tầm quan trọng của các dự án này và sẽ cùng nhau hợp tác nhằm tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19.
Đại sứ Lim Sungnam cho rằng trong lịch sử ASEAN, năm 2020 có thể được ghi nhận là năm khó khăn nhất đối với hoạt động ngoại giao do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam đã thể hiện được vai trò “lãnh đạo gương mẫu” trong các cuộc họp và các sáng kiến khác nhau của ASEAN. Việt Nam đã thực sự thể hiện khả năng lãnh đạo gắn kết và nhạy bén trong việc ứng phó với COVID-19.
Theo Đại sứ Lim Sungnam, khả năng lãnh đạo của Việt Nam đã thể hiện qua việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt về COVID-19 vào tháng 4 vừa qua. Ông bày tỏ hy vọng tiếp tục chứng kiến khả năng lãnh đạo của Việt Nam tại tất cả các cuộc họp quan trọng sắp tới của ASEAN, trong đó có Hội nghị Cấp cao vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng Chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada, nhận định Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào đúng giai đoạn nhiều thách thức, khi thế giới phải đối mặt với cuộc tấn công của đại dịch COVID-19, trong khi những căng thẳng về địa chính trị tại khu vực tiếp tục leo thang. Đại dịch đã khiến Việt Nam phải chuyển đổi cách thức tổ chức hầu hết các cuộc đối thoại, các hội nghị quan trọng.
Ông Miller cho rằng Việt Nam đã tận dụng được cơ hội là Chủ tịch ASEAN để trở thành cầu nối gắn kết với ASEAN, cũng như với các đối tác đối thoại của khối này. Ông đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi phải tiếp tục điều hòa mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực củng cố quan hệ đối tác trong ASEAN và rộng hơn là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo ông Miller, “sự lãnh đạo đúng nguyên tắc và kiên quyết của Việt Nam đã tạo bước tiến trong việc giải quyết các vấn đề dường như khá hóc búa liên quan đến Biển Đông”.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy những nỗ lực chung của khu vực nhằm đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Tiến sỹ Malcolm Cook - chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), khẳng định từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN trong đại dịch COVID-19. Việt Nam đã góp phần hỗ trợ các cơ chế ASEAN và ASEAN+ để giúp giải quyết các tác động của đại dịch trong khu vực, đồng thời tiếp tục đạt được tiến bộ trong những sáng kiến cốt lõi của ASEAN như RCEP. Ông nhấn mạnh Việt Nam đã được trao một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và cho đến nay Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ này.
Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh nghiêm trọng chưa từng có, Việt Nam đã gặp không ít thử thách. Tuy nhiên, bằng nỗ lực, sự linh hoạt, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành trọng trách, Việt Nam đã thể hiện được vai trò điều phối cũng như thúc đẩy các chương trình nghị sự, hoạt động chung của ASEAN để ứng phó với dịch bệnh, góp phần thúc đẩy Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tiếp tục phát huy vị thế ở khu vực và quốc tế.