Ông Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chúng ta nhìn lại tiến trình phát triển của lịch sử, đặc biệt là của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Lịch sử cho thấy, gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp là các cuộc cách mạng chính trị - xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ 18, sau đó đã nổ ra cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến lạc hậu.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai ra đời kéo theo nó là giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ và cuộc cách mạng vô sản ra đời được mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời vào thế kỷ XX và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, chắc chắn có sự tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị - xã hội thế giới.
Tất cả những biến động đó đều gắn liền với thay đổi lực lượng sản xuất (từ sức người chuyển dần sang hơi nước, cơ khí, điện, máy móc, đến tự động và trí tuệ nhân tạo), làm thay đổi quan hệ sản xuất (người với người, người với máy móc và máy móc với máy móc) và kết quả tiếp theo là làm biến đổi tình hình chính trị -xã hội trên thế giới. Tất cả điều đó gắn liền với thể chế kinh tế của các thời kỳ phát triển có phù hợp với xu thế phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp hay không?
Như vậy, với sự thay đổi ngày một nhanh chóng hơn của vạn vật (thay đổi từ theo cấp số cộng sang thay đổi theo cấp số nhân) đã làm cho thế giới cũng đang thay đổi ngày một sôi động và phức tạp hơn, quốc gia nào có thể chế kinh tế phù hợp sẽ có cơ hội phát triển, nếu không, quốc gia đó sẽ tụt hậu một cách nhanh chóng. Cơ hội và thách thức cho phát triển đối với mỗi quốc gia ngày một hiện hữu hơn. Thế giới như nhỏ lại, gần hơn. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày một rõ nét hơn.
Không có một nền kinh tế nào, một đất nước nào có thể phát triển được nếu không hội nhập. Sân chơi chung cho các quốc gia đã được hình thành và cơ hội phát triển đã được mở ra cho tất cả các nước. Tuy nhiên, quy luật 20/80 cũng luôn đưa các nước vào nhóm nước nghèo, rất khó và ít nước vào được nhóm nước phát triển. Như vậy, có thể thấy cơ hội một, thách thức hai đang đứng trước tất cả các nước. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực, cơ hội để phát triển rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ.
Trước tình hình đó, mô hình phát triển kinh tế Việt Nam cũng cần được đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp với thế giới hiện nay. Nhận thức về thể chế kinh tế thị trường định hưóng XHCN ở Việt Nam đang từng bước được làm sáng tỏ. Nhiều cơ chế, chính sách của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đang từng bước hoàn thiện. Nhiều vấn đề thị trường ở Việt Nam đã và đang được hiện đại hóa và đang từng bước phù hợp hơn với thị trường quốc tế.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định xã hội tồn tại và phát triển được là nhờ sản xuất vật chất, lịch sử của xã hội trước hết là lịch sử phát triển của sản xuất vật chất. Hệ thống tri thức khoa học do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng nên là một hệ thống phương pháp có tính nguyên tắc trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, hàm chứa nội hàm phát triển có giá trị quan trọng đối với cả giai đoạn phát triển hiện nay ở nước ta.
C.Mác đã cùng Ph.Ăngghen cho ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đã trang bị cho giai cấp vô sản, cho nhân loại một tri thức phát triển vô cùng mạnh mẽ, khơi dậy khát vọng vươn tới, thay đổi cuộc sống của mỗi con người, xây dựng xã hội mới (XHCN, cộng sản chủ nghĩa) tươi đẹp, ấm no, tự do, hạnh phúc. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định xây dựng CNXH chính là làm cho nhân dân được ấm no, tự do và hạnh phúc.
Chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước chuyển mang tính bước ngoặt. Xuất phát điểm của tiến trình đó là việc đổi mới tư duy của Đảng ở Đại hội VI (năm 1986), trong đó có đổi mới tư duy và nhận thức về mô hình kinh tế Việt Nam.
Với hơn 31 năm đổi mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã từng bước được hình thành và phát triển. Tư duy và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được liên tục đổi mới và ngày càng đúng đắn, đầy đủ hơn. Từ tư duy và nhận thức cho rằng để đi lên chủ nghĩa xã hội cần phải phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đến tư duy và nhận thức cho rằng để xây dựng XHCN cần phát triển nền kinh tế thị trường là một bước tiến dài trong nhận thức và tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Liên doanh Vietsovpetro thành lập năm 1981 - biểu tượng của sự hợp tác Việt - Nga. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Nhìn lại lịch sử, việc xác định lý luận về mô hình phát triển nền kinh tế nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội cho đến ngày hôm nay là một bước tiến ngoạn mục. Từ việc phủ định thể chế kinh tế thị trường đến chỗ nhận ra rằng phát triển thể chế kinh tế thị trường là một tất yếu khách quan và thể chế kinh tế thị trường là sản phẩm và là thành quả phát triển của văn minh nhân loại. Không có bất kỳ một quốc gia nào muốn phát triển, giàu mạnh được mà không lựa chọn phát triển thể chế kinh tế thị trường.
Phát triển thể chế kinh tế thị trường là nền tảng để giải phóng và khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng và sáng tạo cho phát triển. Phát triển thể chế kinh tế thị trường là một bước đi tất yếu và là phương tiện không thể thiếu để cho nhân loại đi đến giàu có và phồn vinh. Với những kết quả đạt được của hơn 31 năm đổi mới ở Việt Nam có thể thấy rằng phát triển thể chế kinh tế thị trường là một hướng đi đúng.
Tư duy về thể chế kinh tế của Đảng được đổi mới bắt đầu từ chấp nhận phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Chấp nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong nền kinh tế đã tạo ra xung lực mới cho sự phát triển và đã làm cho nền kinh tế từ nghèo khó từng bước được cải thiện và khởi sắc đi lên. Đây là sự khẳng định đúng đắn, XHCN phải đồng nghĩa với giàu có, sung sướng, hạnh phúc chứ không phải thứ chủ nghĩa xã hội nô dịch, đói nghèo, bần cùng.
Đến Đại hội X, 5 thành phần kinh tế gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư hữu tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, được xác lập trong nền kinh tế nước ta. Vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân đã được nhận thức rõ ràng và xác định cụ thể.
Tư duy và nhận thức lý luận kinh tế được đổi mới ở Đại hội lần thứ X của Đảng thể hiện trong việc xác định đặc trưng kinh tế của XHCN so với nội dung trong Cương lĩnh năm 1991, đó là: "Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất".
Tiếp theo đó, Đại hội XI đã phát triển và hoàn thiện hơn một bước đặc trưng kinh tế của XHCN so với trước đó: "XHCN mà nhân dân ta xây dựng: ... có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp;...".
Tư duy kinh tế mới ở đây được phát triển cao phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với việc không bị gò bó, cứng nhắc vào một loại hình sở hữu về tư liệu sản xuất mà quan tâm vào bản chất bên trong của nó, chính là quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Đây là bước tiến lớn trong đổi mới tư duy lý luận về kinh tế của Đảng với việc khẳng định, làm rõ quan điểm, lý luận và tư duy về kinh tế cho giai đoạn phát triển mới, coi trọng và bảo đảm cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh XHCN.
Cụ thể của nhận thức ở đây được nêu trong văn kiện Đại hội XI là nền kinh tế "với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối; Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể ngày càng được củng cố và phát triển.
Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển”.
Điểm mới và bước tiến lớn trong tư duy và nhận thức về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là khẳng định sự "bình đẳng" và "phát triển lâu dài" của các thành phần kinh tế và khẳng định việc thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế và theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội". Hơn nữa, Đảng ta khẳng định "Phát triển kinh tế là trung tâm”; xây dựng cơ cấu kinh tế: "có hiệu quả và bền vững".
Bước tiến trong nhận thức lý luận và tư duy về thể chế kinh tế thị trưởng ở nước ta đã và đang được thể hiện ở các chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại với việc đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới. Bên cạnh những thành công to lớn về phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta từ khi đổi mới đến nay, những thành tựu trong việc hợp tác kinh tế, chính trị, ngoại giao với thế giới càng khẳng định việc lựa chọn thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam là một lựa chọn sáng suốt.
Và có thể khẳng định rằng lựa chọn thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay là một lựa chọn tất yếu và không có cách lựa chọn khác để đi lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động và hiệu quả đối với các quốc gia biết cách sử dụng và vận hành nó.
Có nhiều mô hình phát triển nền kinh tế thị trường (mô hình kinh tế thị trường kiểu tư bản chủ nghĩa, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) và mỗi quốc gia cần lựa chọn cho mình mô hình tối ưu nhất. Kinh tế thị trường cũng có ở nhiều trình độ khác nhau: nền kinh tế thị trường hiện đại, phát triển; nền kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, kém phát triển; nền kinh tế thị trường tự do; nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nền kinh tế hỗn hợp...
Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 11 ngày 3/6/2017, Nghị Quyết Trung ương 5 khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục phát triển tư duy và nhận thức về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khẳng định “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường ... và là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế ”. Đây là những điểm mới và đột phá trong tư duy và nhận thức, thể hiện không còn né tránh và vận dụng không đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường, hơn nữa, cũng khẳng định thể chế kinh tế thị trường Việt Nam phù hợp và hội nhập với thể chế kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới.
Việc khẳng định “bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước” càng thể hiện tinh thần uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo trong nhận thức và tư duy về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Đích tới của nền kinh tế thị trường nước ta chính là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập định hướng xã hội chủ nghĩa và đích cuối cùng của nó là một nền kinh tế thị trường năng động, hiệu quả, đem lại cho ta một nền kinh tế giàu mạnh, phồn vinh, bảo đảm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây lại một lần nữa khẳng định một sự phát triển, sáng tạo vượt bậc về tư duy, nhận thức xây dựng thể chế kinh tế thị định hướng XHCN của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn xây dựng đất nước, vượt xa những gì có ở Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.