Hơn tám mươi năm đã trôi qua, bao nhiêu biến chuyển, đổi dời của lịch sử đã diễn ra trên toàn thế giới cũng như hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đi chầm chậm vào từng căn phòng của ngôi nhà tôi vẫn cảm thấy một không khí linh thiêng như còn đọng lại.
Cuối tháng 7 năm 2011, tôi được tham gia đoàn nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam sang thăm và làm việc với Hội Nhà văn Trung Quốc. Sau khi thăm và làm việc tại Bắc Kinh, đoàn được đưa đến thăm tỉnh Quảng Đông. Đến thành phố Quảng Châu (thủ phủ của tỉnh Quảng Đông), chúng tôi đến thăm Di tích trụ sở tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), nơi mà chúng tôi đã bao lần ao ước được một lần đến đó.
Đoàn Nhà văn Việt Nam thăm trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 7/2012. |
Trường đào tạo cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam tọa lạc tại ngôi nhà số 248 và 250, phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu, ở trong một khu phố lớn và yên tĩnh. Hướng dẫn viên bảo tàng kể, ngay sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949), Chính phủ Trung Quốc đã mua lại tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà này để làm di tích lưu niệm của cách mạng Việt Nam. Nhất là từ năm 1971, khi Thủ tướng Chu Ân Lai đến đây thì ngôi nhà được bảo tồn và duy tu hàng năm. Chính quyền thành phố Quảng Châu cũng quyết định giữ nguyên hiện trạng cảnh quan của khu phố này nên đến đây có thể cảm thấy phần nào cái không khí xưa kia khi những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được huấn luyện ở đây.
Ngôi nhà có ba tầng. Tầng thượng không có mái che, ngày xưa dùng làm bếp. Hướng dẫn viên kể, khi đó nếu có mưa trong lúc đang nấu nướng thì phải che ô. Tầng trên cùng này có lối thông sang các ngôi nhà bên cạnh và ở phía sau, phòng khi có “động” là mọi người có thể tản về các căn nhà liền kề rút đi an toàn. Phòng nghỉ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhỏ xíu, chỉ vừa vặn kê đủ một chiếc giường cá nhân và lối đi vào. Vali phải để dưới gầm giường. Tầng giữa có nhiều phòng. Phòng rộng nhất dùng làm lớp học, kê bốn hàng bàn nhỏ. Những chiếc bàn cá nhân liền ghế bằng gỗ tạp, trải qua hơn hai phần ba thế kỷ đã xỉn màu cũ kỹ đã từng in hơi ấm những chiến sĩ đầu tiên của cách mạng Việt Nam khi ngồi học ở đây.
Tôi nhìn bản danh sách thanh niên miền Bắc, miền Trung và Nam bộ dự các khóa huấn luyện đầu tiên ở số nhà 13, đường Văn Minh treo trên tường phòng học thấy nhiều tên tuổi đã trở thành bất tử: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên... Theo bản danh sách thì có 38 thanh niên miền Bắc, miền Trung và 20 thanh niên Nam bộ đã theo học ở đây những khóa đầu tiên. Trong 20 thanh niên Nam bộ thì tỉnh có người theo học đông nhất là Mỹ Tho: 5 người. các tỉnh khác: Long Xuyên: 2, Sài Gòn: 2, Cần Thơ: 2, Vĩnh Long, Rạch Giá, Bến Tre, Cà Mau, Cao Lãnh, Gò Công mỗi nơi một người…
Giữa tháng 12 năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) đến Quảng Châu với cương vị là phái viên toàn quyền Ban Thư ký Viễn Đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Nhiệm vụ chính của Người là chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 18/12/1924, Bác viết thư cho Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản: “ Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Việt Nam. Tôi đã chọn 5 người quê ở các tỉnh khác nhau… tôi sẽ huấn luyện cho họ phương pháp tổ chức”. Những nhà cách mạng ấy chính là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong… trong nhóm Tâm Tâm xã. Lúc này, dư âm về tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Méclanh ở Sa Điện còn vang dội. Bác đánh giá cao lòng yêu nước của những thanh niên Việt Nam trong nhóm nhưng thấy cần phải huấn luyện chính trị cho họ, trang bị cho họ lý luận cách mạng.
Ngôi biệt thự ba tầng ở đường Văn Minh thành phố Quảng Châu những năm ấy trở thành “Trường huấn luyện chính trị” cho những người ưu tú trong tổ chức Tâm Tâm xã và những thanh niên Việt Nam yêu nước được lựa chọn đưa từ trong nước sang.
Bác Hồ (lúc đó lấy tên là Lý Thụy) đã khai giảng lớp học và là giảng viên chính của lớp. Các học viên được nghiên cứu tình hình thế giới, lịch sử Cách mạng Tháng Mười, lịch sử Quốc tế I, II, III, phong trào giải phóng dân tộc, Cương lĩnh chính trị của Tôn Trung Sơn, công tác báo chí, những nguyên lý về công tác tổ chức quần chúng, khoa học kinh tế và học ngoại ngữ. Trong đó vấn đề về cách mạng Việt Nam được nghiên cứu kỹ hơn cả. Một phần chương trình huấn luyện do các giảng viên ở Học viện Quân sự Hoàng Phố giảng dạy.
Tháng 6 năm 1925, kết thúc khóa huấn luyện đầu tiên, cũng ở trên tầng thượng ngôi nhà này, Bác đã thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người tổ chức nhóm cộng sản trong Hội làm nòng cốt là Cộng Sản Đoàn, xuất bản tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội. Ngày báo Thanh Niên ra số đầu tiên: 21/6/1925, sau trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong hai năm rưỡi (từ tháng 12/1924 đến tháng 4/1927) “Trường huấn luyện chính trị” đã huấn luyện được gần 200 cán bộ. Những người này sau khi được huấn luyện đã về nước tích cực hoạt động thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong thợ thuyền, dân cày và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Hơn tám mươi năm đã trôi qua, bao nhiêu biến chuyển, đổi dời của lịch sử đã diễn ra trên toàn thế giới cũng như hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đi chầm chậm vào từng căn phòng của ngôi nhà tôi vẫn cảm thấy một không khí linh thiêng như còn đọng lại. Hình bóng của những thanh niên học sinh giàu lòng yêu nước- những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam như còn thấp thoáng đâu đây. Cũng như hình ảnh Bác - đồng chí Lý Thụy, đồng chí Vương dáng người xương xương, bước đi nhanh nhẹn, đôi mắt to và sáng lạ thường như vẫn hiện hữu.
Ngôi nhà bình dị như bao nhiêu ngôi nhà khác ở thành phố này nhưng bản thân nó lãnh một sứ mệnh lịch sử cao cả là ngôi trường đào tạo những thế hệ chiến sĩ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Cả dân tộc Việt Nam đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, lầm than. Đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Bao nhiêu cuộc khởi nghĩa, bao nhiêu phong trào đấu tranh vùng lên rồi thất bại, bị dìm trong biển máu bởi chưa tìm ra được một đường lối cứu nước đúng đắn. “Đêm sao đêm mãi tối mò mò. Biết đến bao giờ mới sáng cho” - Một sĩ phu hồi đó đã viết.
Và ánh sáng đã trở về từ đôi mắt sáng lạ thường của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin. Ánh sáng từ hàng trăm thanh niên Việt Nam yêu nước được tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ trường huấn luyện chính trị ở Quảng Châu mang về nước thắp lửa cho cả một dân tộc đang bị đọa đày đau khổ.
Những lớp chiến sĩ ấy chính là những người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua mười lăm năm chiến đấu hy sinh, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc vùng dậy, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan gông xiềng áp bức đế quốc phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Đàm Chu Văn