Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng. Dự thảo Luật gồm 10 chương, 78 Điều.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo).

Dự án Luật cũng sửa đổi một số quy định nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh như giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và nhận thấy, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 71 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược, định hướng phát triển ngành công chứng, tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng vì khi kinh tế phát triển, các giao dịch, nhu cầu công chứng ngày càng tăng. Với sự quy định chặt chẽ như dự thảo Luật sẽ góp phần giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Hầu A Lềnh (Lào Cai) nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng...

Qua hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh... Do đó, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng và Đồng Nai thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Góp ý để làm rõ hơn một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, một số quy định của Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai... còn chưa đồng bộ, thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn thực hiện nên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu dẫn chứng, Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện nên các tổ chức hành nghề công chứng lúng túng trong thực hiện công chứng các việc liên quan đến thừa kế. Bộ luật Dân sự cũng quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, giao dịch, tuy nhiên Luật Công chứng hiện chỉ quy định việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trong trường hợp các bên có văn bản thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

Bên cạnh đó, quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn chưa thống nhất giữa Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai. Cụ thể, Luật Công chứng quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng; Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai quy định thời điểm có hiệu lực của một số hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Điều này ảnh hưởng đến giá trị của văn bản công chứng theo quy định của Luật Công chứng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét hoàn thiện và thống nhất các nội dung trên cho đồng bộ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với một số dự án luật có liên quan đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua như dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)... để bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phan Phương (TTXVN)
Quốc hội thảo luận về Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành
Quốc hội thảo luận về Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 17/6/2024, tại Hà Nội, Quốc hội họp hội trường để thảo luận ở về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN