Tăng tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan dân cử

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, dù được đánh giá là nước có chỉ số phát triển giới tốt trong khu vực nhưng việc thu hẹp khoảng cách giới, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị vẫn còn rất nhiều thách thức.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa tăng bền vững

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Tuy tỷ lệ nữ ĐBQH ở từng nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa thật bền vững. Đặc biệt, trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), ĐBQH là nữ chỉ tăng được gần 4%. “Nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia ĐBQH và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa”, bà Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá.

Lý giải về tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, đó là do các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ xã hội, gia đình mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn có những nữ ứng cử viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri…

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới còn nhiều bất cập, thiếu những biện pháp cụ thể để giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa có chiến lược quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ. “Hệ quả là, khi cần đến cơ cấu nữ mới “đốt đuốc” đi tìm, lúc này người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu. Trong khi đó, người đã qua đào tạo cơ bản, đủ điều kiện thì không còn trong độ tuổi”, TS Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trích dẫn một nghiên cứu của UNDP cho biết “tạo nguồn” là một nguyên nhân khiến tỷ lệ nữ ĐBQH và HĐND các cấp qua nhiều năm phấn đấu vẫn chưa đạt được. Thực tế, nguồn để giới thiệu ứng viên (vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó, lãnh đạo các ban Đảng) có tỉ lệ phụ nữ khá thấp. Điều này có liên quan đến quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ vì với trần tuổi nghỉ hưu, phụ nữ bị thua thiệt về cơ hội đào tạo, thăng tiến so với nam giới. Bên cạnh đó, cán bộ Hội phụ nữ các cấp còn chưa hiểu đầy đủ và chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác bầu cử.

Hướng tới bình đẳng thực chất

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử sẽ bảo đảm cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới,… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh chia sẻ, một trong những kinh nghiệm của nhiều địa phương là phải dự kiến số lượng phụ nữ ứng cử một cách rộng rãi ngay từ hiệp thương lần thứ nhất để lựa chọn dần đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba, số đại biểu nữ vẫn bảo đảm một tỷ lệ thích hợp và kết quả trúng cử không chỉ đáp ứng được chỉ tiêu đề ra mà còn có khả năng cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội LHPN Việt Nam cho biết, với vai trò tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn ứng cử viên nữ, Hội đã có những giải pháp, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu ứng cử vào ĐBQH và HĐND các cấp. Cụ thể, hiện nay, khi chưa có danh sách ứng cử viên thì các cấp Hội đang làm các công tác chuẩn bị cho việc bồi dưỡng cho nữ ứng cử viên. “Chúng tôi đã tổ chức 3 lớp tập huấn giảng viên cho cán bộ Hội các cấp để họ có thể bồi dưỡng kỹ năng cho ứng cử viên về xây dựng chương trình hành động và kỹ năng tiếp xúc cử tri. Đồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội ngay sau khi có danh sách ứng cử viên sẽ tiến hành các hoạt động bồi dưỡng cho nữ ứng cử viên, đặc biệt là những nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử Quốc hội và HĐND các cấp”, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết.
Thu Phương
Ký ức của vị nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên
Ký ức của vị nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

Bà Ngô Thị Huệ - người bạn đời, người đồng chí của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, luôn tự hào khi mình là một trong mười nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN