Tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định trong dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.


Ngày 30/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, dành cả ngày để thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là lần thảo luận cuối cùng trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định trong dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đây là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật, mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam. Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) khẳng định việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật là cần thiết. Đại biểu cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ là công cụ hữu hiệu để pháp nhân giữ gìn uy tín của mình; đồng thời với quy định này cũng là cách phòng chống, xử lý vi phạm đối với pháp nhân trong quá trình hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng việc xác định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần được cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá tính phổ biến, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm của pháp nhân qua thực tiễn xử lý vi phạm hành chính thời gian qua để xác định những hành vi vi phạm cần phải xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Theo Điều 76, các tội phạm pháp nhân là các tội phạm thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, phần lớn do các pháp nhân kinh tế thực hiện. Để đảm bảo tính khả thi, tránh bỏ lọt tội phạm, đại biểu Thân Đức Nam đề nghị dự thảo quy định rõ những pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, không phân biệt hình thức sở hữu.

Khẳng định đây là điểm mới trong tư duy về chính sách hình sự của nước ta, thể hiện sự nghiêm khắc của Nhà nước đối với những vi phạm pháp luật của pháp nhân, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhưng không quy định trách nhiệm đối với tất cả pháp nhân. Đại biểu nêu băn khoăn khi pháp nhân phạm tội, bị xử lý, đình chỉ hoạt động thì quyền lợi của người lao động tại pháp nhân đó sẽ ra sao, vấn đề này chưa được đề cập trong dự thảo Bộ luật. Với quan điểm pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm, người lao động không có lỗi bởi họ chỉ là những người làm công ăn lương, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị dự thảo Bộ luật cần bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động khi pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, giải thể.

Đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội

Bỏ hình phạt tử hình ở một số tội là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay. Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến của đại biểu Quốc hội qua các lần thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Bộ luật theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: Cướp tài sản (Điều 168); tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 304); chống mệnh lệnh (Điều 393); đầu hàng địch (Điều 398); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 420); chống loài người (Điều 421); tội phạm chiến tranh (Điều 422). Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Tán thành với xu hướng giảm án tử hình, theo nhiều đại biểu Quốc hội, điều này phù hợp với tính nhân đạo của Luật Hình sự nước ta và xu hướng hình sự của thế giới. Dự thảo đã dự liệu 7 tội phạm bỏ án tử hình. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cân nhắc lại hai tội, đó là tội chống loài người và tội phạm chiến tranh. Theo đại biểu, hai tội này với các tình tiết định tội ở Điều 421, 422 là hết sức nghiêm trọng như: Tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, thực hiện hành vi diệt chủng ở Điều 421; giết hại dân thường, người bị thương, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm ở Điều 422. Đây là những hành vi đặc biệt nguy hiểm, cần được xử lý thích đáng với khung hình phạt cao nhất. Đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét quy định loại bỏ hình phạt tử hình đối với hai loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng ý với 5 loại tội phạm sẽ được bỏ hình phạt tử hình. Riêng tội cướp và tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Bá Thuyền chưa đồng tình. Đại biểu đề nghị vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy bởi "nếu bỏ tội phạm này, sẽ không xử được ai, tất cả những ai bị bắt đều chỉ nhận là vận chuyển, thì không còn khung hình phạt tử hình đối với tội ma túy nữa". Đại biểu nhấn mạnh nên giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội danh này nhưng cần quy định chặt chẽ hơn. Đối với tội cướp tài sản, đại biểu cũng cho rằng "nếu bỏ khung hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản thì hết sức nguy hiểm, có những vụ cướp từ Lạng Sơn vào đến Đà Lạt, dùng thuốc mê, nếu không cứu chữa kịp thời đã gây chết người. Nếu chúng ta bỏ tử hình thì không đủ tính răn đe và giáo dục đối với loại tội này", đại biểu đề xuất.

Theo đại biểu Siu Hương (Gia Lai), vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đối với người phạm tội sau khi kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra. Đại biểu nêu đây là hai tội nặng nhất trong các tội phạm tham nhũng. Một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng sự tín nhiệm, quyền hạn được giao, phạm tội hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc tiếp tục duy trì án tử hình đối với các tội này là cần thiết, sẽ có tác dụng răn đe và thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau về: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân; bỏ hình phạt tử hình: các tội danh cụ thể dự kiến bỏ hình phạt tử hình; việc bỏ một số tội; việc bổ sung các tội phạm mới; mức phạt tiền của các tội danh trong Bộ luật Hình sự.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp khi sửa đổi luật thuế
Đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp khi sửa đổi luật thuế

Chiều 29/10, theo chương trình của Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN