Sức sống trường tồn của bản chỉ thị lịch sử

Cách đây 70 năm, chiều ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên, được thành lập. Tại buổi lễ tuyên thệ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản chỉ thị lịch sử - Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Về mặt ngôn từ, đây là một áng văn chính luận tuyệt tác. Xét về mặt tư tưởng và nội dung, Chỉ thị này tuy ngắn gọn nhưng súc tích, có thể coi là cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng. Nó không chỉ là “kim chỉ nam” cho Đội quân giải phóng trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ; mà còn có sức sống trường tồn, trở thành cơ sở và nền tảng để xây dựng và phát triển của Quân đội cách mạng kiểu mới - một Quân đội của dân, do dân và vì dân.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại lễ thành lập Đội trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng ngày 22/12/1944. Ảnh: TL


Ở thời điểm bấy giờ, về mặt hình thức đây chỉ là một chỉ thị thành lập một đội vũ trang tuyên truyền, trong đó xác định rõ tên Đội, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, quan hệ giữa đội quân chủ lực này với các lực lượng vũ trang địa phương trong xây dựng và tác chiến, hình thức chiến thuật và nguyên tắc tác chiến. Song bản chỉ thị này lại có một ý nghĩa hết sức to lớn, đề cập đến những nội dung cơ bản của đường lối quân sự của Đảng, như: khởi nghĩa vũ trang; chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; những vấn đề về tư tưởng, nghệ thuật quân sự...

Bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, trước hết đã khẳng định đường lối cách mạng của Đảng, đặc biệt là khẳng định chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941): Muốn đánh đuổi đế quốc Pháp, phát xít Nhật và bọn tay sai, phải dựa vào sức mạnh của quần chúng, phải dùng bạo lực cách mạng, để khi thời cơ đến thì có thể phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Khi thời cơ chưa tới thì “không được đùa với khởi nghĩa” mà phải tìm ra một hình thức thích hợp để thúc đẩy phong trào đi tới. Hình thức thích hợp đó chính là vũ trang tuyên truyền, chính trị kết hợp với quân sự.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự kết hợp lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang nhân dân, lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đó là “cuộc kháng chiến của chúng ta phải là cuộc kháng chiến toàn dân; cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân trước hết bắt nguồn từ sức mạnh của chính nhân dân. Chiến tranh nhân dân Việt Nam là chiến tranh thực sự vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, muốn xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh cần phải có nền tảng lực lượng chính trị mạnh, quần chúng giác ngộ cách mạng cao, đoàn thể quần chúng rộng khắp và vững chắc. 

Việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải phát triển đồng thời cả các thứ quân: quân chủ lực và quân địa phương trên cơ sở động viên toàn dân và vũ trang toàn dân. Bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương phải có mối liên hệ gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo. Quân đội phải dựa vào dân, “dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được”. Quân đội được xây dựng, phát triển và chiến đấu theo những nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Về phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang là phải kết hợp quân sự với chính trị, về chiến thuật phải vận dụng lối đánh du kích, về nguyên tắc hoạt động là phải đánh thắng trận đầu. Về phương hướng phát triển, phải không ngừng xây dựng và phát triển lực lượng, làm cho đội quân nhỏ bé đầu tiên nhanh chóng trở thành một đội quân hùng mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.

Về nghệ thuật quân sự, bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thể hiện những nội dung cơ bản nhất có tính nguyên tắc, đó là: Đánh thắng ngay từ trận đầu ra quân; tích cực, chủ động, bí mật, nhanh chóng, cơ động linh hoạt “nay Đông, mai Tây”...

Những nguyên tắc cơ bản về chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hàm chứa trong bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là sự kế thừa và phát huy đến trình độ cao truyền thống “toàn dân đánh giặc, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”; truyền thống tổ chức quân sự: kết hợp vũ trang toàn dân với xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Trải qua chặng đường 70 năm thấu triệt và cụ thể hóa những tư tưởng lớn về quân sự được thể hiện trong bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Quân đội nhân dân Việt Nam từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu đã phát triển thành một lực lượng hùng mạnh; từ đội quân được vũ khí trang bị thô sơ tiến lên trang bị hiện đại; từ một quân đội chỉ có bộ binh phát triển lên nhiều quân, binh chủng; từ hoạt động phân tán với tác chiến du kích là chính tiến lên hoạt động tập trung, tác chiến chính quy hiệp đồng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn. Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân và là lực lượng nòng cốt cho toàn dân tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lần lượt đánh bại các kẻ thù xâm lược, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang với quân đội và nhân dân hai nước Lào và Campuchia.

Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN