Như vậy, số lượng cán bộ công chức cấp xã nếu bố trí theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (tức sau sáp nhập) là 1.466 người thì số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp là 850 người. Việc xử lý công việc, giải quyết chế độ chính sách liên quan đến số cán bộ dôi dư này để hợp lý và tình không hề đơn giản.
Huyện Tam Nông có 12 xã phải tiến hành sáp nhập. Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, toàn huyện sẽ giảm 8 xã với 153 công chức dự kiến phải bố trí vị trí làm việc sau sáp nhập. Ông Nguyễn Duy Quân, Chủ tịch UBND xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông cho biết, sau khi sáp nhập, ba xã gồm: Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương để thành lập xã Vạn Xuân. Dự kiến có 23 cán bộ, công chức làm việc ở bộ máy chính quyền xã mới. Trong khi đó, số cán bộ, công chức hiện tại chưa sáp nhập là 59 người. Số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập là 39 người.
Việc sáp nhập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, nhất là chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể hiện nay chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển. Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phạm Văn Quang cho hay, thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính diễn ra trong thời gian ngắn. Việc bố trí cán bộ công chức cấp xã cũng phải theo quy định, số lượng dôi dư sau sắp xếp là rất lớn. Huyện đang chờ các hướng dẫn của tỉnh để có các phương án chi tiết cụ thể.
Cũng tương tự, huyện Hạ Hòa có tổng số đơn vị hành chính sau sắp xếp là 20 đơn vị, giảm 13 đơn vị hành chính so với trước khi sắp xếp. Số lượng cán bộ, công chức đơn vị cấp xã sắp xếp 330 người, trong đó có 119 cán bộ, 211 công chức. Việc bố trí vị trí làm việc cho các cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập cũng đang là vấn đề huyện lo lắng nhất. Bởi nếu làm không tốt, không làm sớm để ổn định tổ chức trước Đại hội Đảng bộ các cấp diễn ra vào tháng 3/2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Dương Đức Thành - Chủ tịch UBND xã Đan Hạ, huyện Hạ Hòa bộc bạch, xã Đan Hạ cùng với 3 xã khác sáp nhập để thành lập xã mới Đan Thượng. Sau khi sáp nhập, số cán bộ, công chức xã mới sẽ tăng lên 72 người, chưa kể số người hoạt động không chuyên trách; trong khi đó cấp trưởng (Bí thư, Chủ tịch xã) chỉ có một. Như vậy, số lượng cả cấp trưởng, cấp phó của xã Đan Thượng sẽ là 16 người. Ai đi, ai ở, ai phải luân chuyển, nhất là người hoạt động không chuyên trách sẽ làm gì đang là băn khoăn của nhiều người.
Bên cạnh đó, sau sáp nhập quy mô dân số tăng, các thiết chế thay đổi chưa đáp ứng ngay điều kiện làm việc của cán bộ, công chức. Việc tổ chức hội họp của cán bộ, đảng viên, các hoạt động học tập, sinh hoạt của cộng đồng dân cư sau sáp nhập cũng khó khăn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hạ Hòa, việc sắp xếp, bố trí lại công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập là vấn đề khó nhất, quyết định đến sự thành công của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quyền lợi, nghĩa vụ, nhất là đối với những trường hợp dôi dư không bố trí được công tác phù hợp. Trong một khoảng thời gian nhất định, số lượng công chức cấp xã có thể cao hơn so với quy định hiện nay, bởi vì với số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập nhiều khó có thể bố trí đúng với số lượng công chức cấp xã theo quy định hiện nay. Việc xây dựng chính sách, quy định cụ thể đối với cấp trưởng của các tổ chức chính trị - xã hội sau khi sáp nhập không được bố trí cấp trưởng hoặc không được bố trí sang cán bộ, công chức ở xã mới thành lập cũng là điều khiến nhiều cán bộ trăn trở.
Đến thời điểm này, 10/10 huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có phương án bố trí, sắp xếp công chức, viên chức sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, để xử lý công việc, chế độ chính sách cho số cán bộ dôi dư này đang là bài toán khó. Các địa phương đang “cầu cứu” từ tỉnh và Trung ương những hướng dẫn cụ thể về vị trí việc làm và số lượng, nhất là xác định số lượng cấp phó của các chức danh cán bộ và cấp phó các tổ chức chính trị xã hội đối với xã mới thành lập.
Bài cuối: Gỡ khó trong giải quyết cán bộ, công chức dôi dư