Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia APEC 2017.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tại Lễ ra mắt. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chỉ đạo và quyết định chủ trương đối với toàn bộ công tác chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động liên quan của Diễn đàn APEC tại Việt Nam năm 2017; ban hành Quyết định thành lập các Tiểu ban và Ban Thư ký, trong đó có quy chế làm việc; bổ sung, điều chỉnh thành viên Ủy ban Quốc gia là lãnh đạo các cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở yêu cầu của thực tế và tính chất công việc; phê duyệt danh mục các hội nghị, hoạt động APEC tại Việt Nam năm 2017 và kế hoạch tổng thể về chuẩn bị và tổ chức để báo cáo lãnh đạo cấp cao...
Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 là bộ phận thường trực giúp việc của Ủy ban Quốc gia, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, có nhiệm vụ phối hợp, điều hòa hoạt động của các Tiểu ban, các cơ quan, địa phương liên quan phục vụ cho việc chuẩn bị, tổ chức các hội nghị, hoạt động của APEC tại Việt Nam năm 2017.
Ban Thư ký gồm Văn phòng Chủ tịch SOM và các Nhóm chuyên trách. Trưởng Ban Thư ký đồng thời là Chủ tịch SOM (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).
Các cơ quan chủ trì tổ chức sự kiện được phân công như sau: Ủy ban Quốc gia chủ trì tổ chức các hội nghị, hoạt động trong Tuần lễ cấp cao. Ban Thư ký chủ trì tổ chức các hội nghị SOM và các cuộc họp liên quan, phối hợp tổ chức Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế và hoạt động liên quan.
Các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành và tương đương, các cuộc họp nhóm công tác, cuộc họp của các trung tâm nghiên cứu APEC và hoạt động liên quan được Ủy ban Quốc gia phê duyệt.
Các Bộ, ngành đảm nhận vai trò điều phối các ủy ban, nhóm công tác của APEC giai đoạn 2016 - 2018, với tư cách chủ nhà Năm APEC 2017, chủ trì tổ chức các cuộc họp, hoạt động liên quan.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, Đối thoại của lãnh đạo cấp cao với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị ABAC và hoạt động của doanh nghiệp được Ủy ban Quốc gia phê duyệt.
Các Tiểu ban và Ban Thư ký APEC 2017 có trách nhiệm điều hòa, phối hợp và hỗ trợ cơ quan chủ trì trong tổ chức, chuẩn bị nội dung và xử lý các vấn đề.
Năm APEC 2017: Bước cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt NamNgay sau Lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vào chiều 21/7 tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia APEC 2017 và trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung phỏng vấn: nhằm xác định các trọng tâm lớn, kế hoạch công tác của Ủy ban quốc gia APEC 2017.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia APEC 2017. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Xin Chủ tịch Ủy ban cho biết ý nghĩa của Năm APEC 2017 đối với nước ta?Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Đối với nước ta, APEC có tầm quan trọng chiến lược cả về chính trị và kinh tế.
13 trong 20 thành viên APEC là các đối tác chiến lược, toàn diện của nước ta. 13 trong số 15 Hiệp định FTA nước ta là từ các thành viên APEC. Khoảng 78% FDI, trên 70% thương mại và 70% lượng khách du lịch vào Việt Nam là từ APEC.
Việc đăng cai APEC 2017 có ba ý nghĩa lớn: Một là, đây là bước cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và làm sâu sắc quan hệ toàn diện của ta với các đối tác. Hai là, đây cũng là dịp để nước ta tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác, nguồn lực của APEC để phát triển đất nước, tạo động lực mới cho phát triển của đất nước và các vùng miền.
Cuối cùng, APEC 2017 là dịp để chúng ta quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, hình ảnh đất nước đổi mới, năng động và giàu tiềm năng. Do đó, có thể nói Năm APEC 2017 sẽ là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban, xin Phó Thủ tướng cho biết đâu là những mảng công tác lớn chúng ta cần tập trung triển khai từ này đến năm 2017?
Sự ra đời của Ủy ban là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho Năm APEC 2017, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC nói riêng. Với bộ máy này, tới đây, các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương sẽ cùng triển khai Lộ trình chuẩn bị Năm APEC 2017 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Theo tôi có 3 việc ưu tiên chúng ta cần triển khai gồm: Ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh chuẩn bị về mặt nội dung, đặc biệt chú trọng việc đề xuất các ý tưởng, sáng kiến mới trong APEC, vừa phù hợp với xu thế chung vừa đáp ứng các lợi ích thiết thân của nước ta như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Cần tận dụng APEC 2017 để tạo chuyển biến căn bản về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng của nước ta. Là Chủ nhà của APEC 2017, chúng ta sẽ là Chủ tịch và Phó Chủ tịch của nhiều Nhóm Công tác và Tiểu ban của APEC. Do đó, các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương cần lên kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu không chỉ của APEC 2017 mà của cả giai đoạn hội nhập quốc tế mới.
Chúng ta sẽ phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho hàng trăm hội nghị lớn nhỏ, hàng nghìn đại biểu quốc tế, trong đó có các nguyên thủ. Chúng ta cần có kế hoạch chuẩn bị căn cơ để đầu tư, phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Công tác quảng bá, thông tin và truyền thông cũng hết sức quan trọng. Là sự kiện mang tầm vóc khu vực, hàng nghìn phóng viên, báo đài quốc tế sẽ đến Việt Nam đưa tin về APEC 2017.
Chúng ta cần chuẩn bị tốt để tận dụng cơ hội này giới thiệu với bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng phát triển, và một dân tộc Việt Nam giàu truyền thống nhân văn, hiếu khách, nhã nhặn, thuận hòa, tình nghĩa.