Quốc hội không ngừng đổi mới

Trải qua 70 năm hình hành và phát triển, ở mỗi thời kỳ Quốc hội đều có những dấu ấn riêng của mình trong lịch sử của đất nước. Quốc hội đã không ngừng đổi mới và ngày càng thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Thể hiện đầy đủ vai trò, quyền hạn

Trong suốt 70 năm qua, có thể nhận thấy để thực hiện được đầy đủ, hiệu quả và chất lượng các quyền hạn của mình trong công tác lập hiến, lập pháp, giám sát các hoạt động của Nhà nước cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm đáp ứng sự mong mỏi, tin tưởng và kỳ vọng của đông đảo cử tri cả nước; Quốc hội đã không ngừng đổi mới trên mọi phương diện từ phương thức đến nội dung trong nhiều hoạt động, được cử tri đánh giá cao.

Quang cảnh khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong công tác lập pháp, đối với nhiều dự án luật phức tạp, có liên quan đến đông đảo quần chúng nhân dân, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, ngoài các quy trình, thủ tục thông thường, các luật, bộ luật còn được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học (như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự,…). Bên cạnh đó cũng có rất nhiều các dự án luật mà việc sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi của người dân, các doanh nghiệp, đảm bảo với các quy định quốc tế đều được xem xét thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp như các luật về thuế, luật liên quan đến các điều ước quốc tế... Việc tổ chức thảo luận các dự án luật hay việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật cũng được đổi mới theo hướng tăng tính dân chủ, đảm bảo tính khả thi và quyền lợi của số đông người dân.

Trong công tác giám sát, sự đổi mới các hình thức trong hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua là một điểm nhấn rất quan trọng trong toàn bộ quá trình đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Hàng năm, việc lựa chọn các nội dung giám sát tối cao của Quốc hội cũng được tiến hành rất khoa học, dân chủ đảm bảo khách quan và đáp ứng đúng, chính xác những vấn đề mà đông đảo cử tri cũng như toàn xã hội đang quan tâm, chẳng hạn như giám sát việc sử dụng đất đai của nông lâm trường quốc doanh; về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; về công tác xóa đói giảm nghèo… đã đạt được nhiều kết quả rất tốt, thiết thực. Từ đó Chính phủ đã có giải pháp điều chỉnh cụ thể phù hợp, kịp thời khắc phục những hạn chế bất cập và phát huy những điểm mạnh góp phần tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước.

Chất vấn - một hình thức “giám sát” đặc biệt

Chất vấn là một hình thức trong hoạt động giám sát và luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và toàn xã hội.

Có thể nhận thấy, ngoài các phiên chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, việc đổi mới tổ chức các phiên giải trình của các bộ, ngành tại các cơ quan của Quốc hội trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp ngày càng nhiều và hiệu quả, đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều khúc mắc trong một số vấn đề nóng, bức xúc của dư luận xã hội. Việc ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội trong thời gian gần đây cũng là một bước đổi mới quan trọng trong hoạt động chất vấn, tăng cường tính pháp lý của hoạt động chất vấn, giúp cho các đại biểu quốc hội có cơ sở pháp lý để giám sát các bộ ngành trong việc thực hiện các chất vấn của mình tại kỳ họp.

Mới đây nhất, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 là một phiên chất vấn chưa từng có đã mang đến một màu sắc rất mới trong hoạt động của Quốc hội khi có sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và cả Chủ tịch Quốc hội. Qua đó, cử tri nhận thấy rõ chức năng giám sát của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp, các cơ quan thuộc Chính phủ. Bất kỳ đại biểu Quốc hội nào cũng có thể đặt câu hỏi và yêu cầu các vị trưởng ngành trả lời, nếu các câu trả lời chưa đúng trọng tâm vấn đề thì đại biểu có quyền hỏi lại. Điều này thể hiện quyền giám sát của các đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri một cách rõ nét nhất.

Việc ra Nghị quyết tại từng kỳ họp và Nghị quyết về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng là điểm rất mới, thể hiện tính chất hậu giám sát. Từ đó, nâng tính pháp lý của việc chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng như các quy định về trách nhiệm thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc ra nghị quyết của cả nhiệm kỳ về hoạt động chất vấn và giám sát đã thể hiện tinh thần chất vấn, giám sát của đại biểu Quốc hội vì lợi ích của cử tri, của nhân dân, của đất nước là liên tục và không có nhiệm kỳ.

Mong muốn tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động

Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, nhằm duy trì và tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả mà Quốc hội khóa XIII đã đạt được, trong nhiệm kỳ tới Quốc hội cần nghiên cứu để tiếp tục có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động. Chẳng hạn như, đổi mới về phương thức và nội dung tiếp xúc cử tri, tạo điều kiện tối đa cho các đại biểu lắng nghe tiếng nói của cử tri mọi lúc, mọi nơi; tăng cường đổi mới hoạt động giải trình (đặc biệt là giải trình về việc sử dụng vốn, ngân sách...) của các bộ, ngành tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Qua đó, phát huy tối đa vai trò giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Chính phủ trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng cần được tiếp tục cải tiến sao cho tăng tính thực chất, hiệu quả có thể đi đến cùng, giải quyết được một vấn đề cụ thể nào đó hoặc ít ra là cũng chỉ rõ được nguyên nhân và trách nhiệm cũng như phương án để giải quyết vấn đề mà nhân dân mong đợi gửi gắm.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội thì tỷ lệ các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở nhiệm kỳ tới sẽ tăng so với nhiệm kỳ XIII. Đây là một trong những điều kiện để tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp trong công tác lập pháp, tăng chất lượng, hiệu quả và tính khả thi của các văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành.

“Việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2016, đã được Bộ Chính trị đồng ý đưa vào hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn cấp quốc gia. 

Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 619/KH-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong thời gian qua, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, hướng tới sự kiện quan trọng này. Cụ thể: Tổ chức Lễ bàn giao Khu di tích Ban thường trực Quốc hội tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang về tỉnh quản lý. Hoàn thành việc biên soạn tài liệu phục vụ tuyên truyền “70 năm Quốc hội Việt Nam”; tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Phát động Giải thưởng Báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Biên soạn cuốn sách ảnh song ngữ “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Tổ chức Hội thảo “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền về kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Trong đó, Kênh truyền hình Quốc hội, báo Đại biểu nhân dân đã có chuyên trang, chuyên mục riêng về nội dung này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thi sáng tác tranh áp phích cổ động, triển lãm sách về 70 năm Quốc hội Việt Nam tại Thư viện Quốc gia và chương trình văn nghệ chào mừng 70 năm Quốc hội Việt Nam. Các cơ quan thông tấn, báo chí khác cũng đã có các phóng sự, bài viết kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; đón tiếp các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ về tham quan Nhà Quốc hội và gặp gỡ các lãnh đạo Quốc hội. 

Thông qua các hoạt động này để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ôn lại lịch sử hình thành, phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. Tuyên truyền sâu rộng về quá trình hoạt động và đổi mới của Quốc hội; cổ vũ, động viên nhân dân cả nước phát huy truyền thống và những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới, góp phần dấy lên phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, học tập và công tác; lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”. 

(Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)


PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội

Dự kiến lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 6/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN