Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia (DPR- Hạ viện) Setya Novanto tại Trụ sở Quốc hội ở Thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, một số bộ trưởng, doanh nhân cùng nhiều nhà lãnh đạo chính trị khác và thảo luận về quan hệ song phương trên nhiều mặt. Chuyến thăm sẽ phản ánh các mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa hai quốc gia đang phát triển mạnh của ASEAN.
Theo bài viết, mối quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam bắt đầu vài tháng sau Hội nghị Á – Phi lịch sử 1955 tổ chức tại Bandung, tỉnh Tây Java, Indonesia, và hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/12/1955. Kể từ đó, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia đã phát triển nhanh chóng. Đáng chú ý, mối quan hệ giữa hai bên đã trụ vững qua những thử thách về thời gian - đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Lạnh, và tồn tại bất chấp một số thay đổi mang tính kiến tạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao toàn cầu.
Cũng theo bài viết, Indonesia và Việt Nam chia sẻ nhiều lợi ích chính trị và an ninh chiến lược chung ở Đông Nam Á. Sau Chiến tranh Việt Nam, chính Indonesia là nước đã đóng vai trò lớn trong việc thuyết phục các quốc gia ASEAN khác kết nạp Việt Nam vào "gia đình" ASEAN. Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Cho đến nay, cả hai nước đã ký hơn 30 hiệp định trong nhiều lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo và quan chức hai nước thường xuyên gặp gỡ tại hai diễn đàn quan trọng là Uỷ ban Hợp tác về Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban Hợp tác Song phương.
Năm 2003, Việt Nam và Indonesia đã quyết định đưa mối quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới qua việc ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và Toàn diện bước vào thế kỷ 21” dưới thời cựu Tổng thống Megawati Soekarnoputri nhân chuyến thăm của bà Megawati đến Việt Nam. Từ đó, quan hệ hai nước, đặc biệt là các quan hệ kinh tế, đã gia tăng đáng kể. Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ song phương đang ngày càng phát triển, Tổng thống Indonesia kế nhiệm, ông Susilo Bambang Yudhoyono, đã nhất trí nâng quan hệ Indonesia-Việt Nam lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011, nhân chuyến thăm Indonesia của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Vào tháng 6/2013, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Indonesia, quan hệ đối tác chiến lược hai nước đã được hiện thực hóa. Vào tháng 10/2013, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký kế hoạch hành động để triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia trong giai đoạn 2014-2018.
Trên bình diện kinh tế, mối quan hệ cạnh tranh đan xen với tương đồng đã thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước tăng gần gấp 4 lần trong thập kỷ qua. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên mức kỷ lục 6,27 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,6 tỷ USD vào năm 2006. Kim ngạch thương mại của Indonesia với Việt Nam trong năm 2016 cao hơn nhiều so với kim ngạch thương mại của Indonesia với các nền kinh tế lớn như Đức (5,79 tỷ USD), Anh (2,48 tỷ USD) và Pháp (2,23 tỷ USD). Indonesia chủ yếu nhập khẩu gạo, thép, điện thoại thông minh, hàng dệt và giày dép từ Việt Nam trong khi xuất khẩu đi các mặt hàng như gỗ, giấy, than, hàng điện tử và hoá chất. Gần đây, nhà sản xuất xi măng PT Semen của Indonesia đã đầu tư 300 triệu USD vào công ty sản xuất xi măng Thăng Long của Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn bất động sản Ciputra Group của Indonesia đã xây dựng khu đô thị quốc tế Ciputra ở thủ đô Hà Nội trị giá 2,11 tỷ USD. Với việc đưa vào vận hành các chuyến bay trực tiếp của Vietnam Airlines từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Jakarta vào năm 2012, các mối tiếp xúc giữa người dân hai nước cũng đang ngày càng gia tăng. Theo trang web vietnamtourism.com, năm 2016, khoảng 70.000 lượt khách Indonesia đã đến Việt Nam, trong khi 50.000 lượt khách Việt Nam cũng đã đến thăm đất nước vạn đảo này. Hiện nay, hơn 100 sinh viên Việt Nam cũng đang theo học tại các trường đại học của Indonesia.