Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Trà Vinh trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng Trà Vinh là tỉnh có điểm xuất phát thấp, còn nhiều khó khăn so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã tập trung cao độ để thực hiện các chương trình mục tiêu đề ra, mạnh dạn đầu tư, thực thi các giải pháp thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong 3 năm vừa qua đạt bình quân 11,27%/năm, tuy chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 12%/năm nhưng đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều tỉnh trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2,46%/năm, trong đó vùng dân tộc Khmer giảm 4,43%, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2018 đạt 43,65 triệu đồng/người/năm là kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Trà Vinh cần nỗ lực hơn nữa để khai thác những tiềm năng, lợi thế đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cao hơn. Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp với Trung ương đầu tư hạ tầng khu kinh tế Định An, quan tâm phát triển thương mại theo hướng hiện đại và phát triển du lịch. Tỉnh tiếp tục quan tâm công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo được Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng trình bày tại buổi làm việc, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đến cuối năm 2018, tỉnh có 12/27 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đề ra; trong đó có 6 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt, còn lại 15 chỉ tiêu chưa đạt.
Trong 15 chỉ tiêu chưa đạt có 14 chỉ tiêu đạt từ 70% đến 99%, có 1 chỉ tiêu đạt dưới 70%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân trong 3 năm tăng 11,27%/năm. Về tình hình phát triển kinh tế tập thể, đến nay tỉnh có 151 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ gần 157 tỷ đồng, thu hút hơn 25.700 thành viên, giải quyết việc làm cho gần 1.300 lao động và có 1.934 tổ hợp tác.
Tuy tỉnh đã được Trung ương đầu tư nhiều công trình, dự án lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng Trà Vinh vẫn còn khó khăn nhất định, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông. Vì vậy, tỉnh đề nghị Trung ương cần nghiên cứu, đánh giá đúng địa kinh tế, địa an ninh chính trị của tỉnh Trà Vinh với khu vực và cả nước để có sự quan tâm đầu tư đúng mức.
Đồng thời, tỉnh đề nghị Trung ương cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đối với các tuyến giao thông, đảm bảo đồng bộ, liên kết, phát huy hiệu quả kinh tế Trà Vinh với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Khu Kinh tế Định An; đề xuất Chính phủ những vấn đề liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính; cho cơ chế tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường giải phóng mặt bằng; đề nghị xem xét hỗ trợ tỉnh đầu tư mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng của 4 xã đảo thuộc huyện Duyên Hải.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương đã trao bằng công nhận huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018 và trao bằng công nhận thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.
Dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã trao tặng Quỹ an sinh xã hội của tỉnh 5 tỷ đồng và đại diện Công ty xi măng Vicem Hà Tiên thuộc Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam tặng tỉnh 3.000 tấn xi măng.