Đây là sự kiện phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng, gắn sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52 - NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với các hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo một số bộ, ngành và trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến (trong đó có trên 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh).
Diễn đàn nhằm thúc đẩy việc chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN, qua đó đẩy nhanh tiến trình triển khai hiệu quả Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.
Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể của diễn đàn có quy mô lớn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở Quy hoạch thông minh gắn với quản lý hiệu quả, cung cấp các tiện ích thông minh, giao dịch thân thiện giữa chính quyền, nhà quản lý, người dân và nhà đầu tư.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức trực tuyến Hội nghị Thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN 2020 vào tháng 7/2020 với các kế hoạch hành động hiện thực hóa đô thị thông minh, củng cố hợp tác với các đối tác trên tinh thần một một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Phát triển đô thị thông minh thực sự là "một cuộc chơi lớn", trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Để đạt được điều này, Thủ tướng cho rằng việc phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, đồng thời cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Cùng với đó, việc tiếp cận đô thị thông minh cần theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên. Các địa phương cùng với việc phát triển các tiện ích thông minh thì cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. “Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, đó là đô thị có quy hoạch xã hội tốt nhất, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, con người nhân văn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Mục tiêu phát triển bền vững cho mỗi quốc gia
Phát biểu đề dẫn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định: Phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng tới phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. "Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội? Để giúp trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết.
Tiếp nối thành công của Hội nghị Mạng lưới các đô thị thông minh đã được tổ chức, trong khuôn khổ hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Diễn đàn lần này hướng tới các mục tiêu: Thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác đoàn kết của các thành viên; thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; duy trì và phát triển các đối thoại Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN.
Tìm giải pháp phát triển đô thị thông minh
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020, chiều cùng ngày đã diễn ra 5 Hội thảo chuyên đề: Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị; Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh; Phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị; Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị.
Tại Hội thảo chuyên đề: “Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: phát triển liên kết vùng trên cơ sở các đặc trưng đô thị; xây dựng tầm nhìn dài hạn và quy hoạch định hướng phát triển đô thị thông minh; quản lý quá trình phát triển của đô thị; nâng cao khả năng dự báo, đảm bảo khả năng chủ động thích ứng với các biến động; thiết lập chiến lược xây dựng kế hoạch tổng thể cho thành phố thông minh.
Nội dung: “Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh” cũng được các đại biểu tập trung bàn thảo và cho ý kiến đối với các vấn đề: phát triển nền tảng dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và chính phủ điện tử; xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông; tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố; chiến lược phát triển mạng wifi cho đô thị thông minh; trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh; các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị thông minh.
Đối với lĩnh vực phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đối với việc nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng dịch vụ số của người dân (Digital literacy); một số giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển xác thực và định danh số (chữ ký số, CA…); phát triển các tiện ích đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống (thanh toán không dùng tiền mặt; thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng thông minh); sự tham gia của giới trẻ và không gian sáng tạo, khởi nghiệp.
Ở Hội thảo chuyên đề: “Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị”, các đại biểu cho rằng các vấn đề cần được tập trung thảo luận như: vai trò của các bên liên quan trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả cho các đô thị; cơ hội và thách thức trong phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và hiệu quả nguồn lực cho các đô thị; quản lý và giám sát tiêu thụ năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà và các giải pháp công nghệ.
Với lĩnh vực giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: giao thông thông minh - thách thức và giải pháp cho các đô thị thông minh; tối ưu hóa hạ tầng giao thông nhằm cải thiện hiệu quả quản lý; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu và AI trong giải quyết các thách thức về giao thông; kinh nghiệm xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh; cơ hội và thách thức phát triển xe điện và hệ thống phương tiện công cộng.