Chiều 26/7, với tỷ lệ tán thành cao, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016 từ tháng 4/2016 đã trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Thể hiện rõ quyết tâm của Thủ tướng Chính phủTheo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ khi nhậm chức rất ấn tượng đối với các đại biểu, đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước. Thủ tướng đã điểm lại toàn bộ những thách thức, khó khăn mà Chính phủ và cá nhân Thủ tướng sẽ phải vượt qua trong nhiệm kỳ này.
“Tất cả những vấn đề Thủ tướng nêu ra đều là những vấn đề bức xúc nhất, quan trọng đối với kinh tế - xã hội hiện nay. Đó cũng là những điểm mấu chốt mà chúng ta phải vượt qua để phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không vượt qua được những thách thức đó, nền kinh tế - xã hội sẽ giậm chân tại chỗ, không đạt được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân cả nước”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) nhận xét: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất sâu sắc, ấn tượng, thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện đường lối của Đảng, có tầm nhìn xa, giải quyết những vấn đề cấp bách, bức xúc hiện nay.
Cá nhân đại biểu Dương Văn Thống rất tâm đắc với vấn đề phát huy, đào tạo nhân tài, giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt như môi trường… được nêu lên trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu tin tưởng, trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng và tập thể Chính phủ sẽ hoàn thành tốt chương trình mà Thủ tướng đã nêu trong bài phát biểu khi nhậm chức.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi vào trọng tâm nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Theo đại biểu, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 cần có những hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, tập trung hoàn thiện thể chế.
“Muốn xây dựng và quản lý Nhà nước bằng pháp luật thì chúng ta cần hoàn thiện các thể chế. Hiện nay, vẫn còn tình trạng có những luật ban hành 1, 2 năm nhưng vẫn trong tình trạng chờ Thông tư và Nghị định”, đại biểu nêu. Đại biểu Ngô Sách Thực kỳ vọng, Thủ tướng và tập thể Chính phủ sẽ có những hành động quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả các chương trình hành động đã đề ra.
Không né tránh những tồn tại, khó khănTheo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, với lời tuyên thệ của Thủ tướng trước Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước, bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ tới cần phải được kiện toàn hết sức chặt chẽ; lựa chọn những người thực sự có tâm, có tài để có thể gánh vác được trách nhiệm giải quyết những vấn đề mà Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo.
Do đó, các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ cũng cần có bước kiện toàn nội bộ để vừa đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, vừa sắp xếp được bộ máy hoàn chỉnh, có đủ sức giải quyết những vấn đề quan trọng và khó khăn của đất nước, đặc biệt là những vấn đề về tài nguyên, môi trường, hạn mặn…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải tạo được sự liên kết giữa các bộ, ngành để tránh sự xung đột về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và xung đột về lợi ích.
“Các bộ, ngành phải đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên trên tất cả để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ một cách thông suốt, minh bạch, công khai, dân chủ và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước nhân dân về mọi hoạt động của mình".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ chắc chắn đã có những dự định của mình về mặt nhân sự, chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức bộ máy của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành sao cho hoàn chỉnh, từ đó đảm bảo giải quyết được những khó khăn của nền kinh tế để phát triển, đảm bảo quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp.