Nhiều vướng mắc trong thực hiện tinh giản biên chế ở Thái Bình

Sau một năm triển khai Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến nay, Thái Bình đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh  vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Chú thích ảnh
Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Đông Hưng chính thức sáp nhập vào Trung tâm y tế huyện Đông Hưng và chuyển về trực thuộc Sở Y tế Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Nhiều khó khăn

Bước đầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn đảm bảo ổn định, thực hiện mục tiêu thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế và giảm cán bộ quản lý. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp cơ bản thuận lợi, đúng quy định, giúp đơn vị kịp thời ổn định, đi vào hoạt động.

Theo thống kê của Tỉnh ủy Thái Bình, toàn tỉnh đã thực hiện giảm được 130 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó khối Đảng, đoàn thể giảm hai đơn vị, khối nhà nước giảm 128 đơn vị. Năm 2018, tỉnh Thái Bình giảm được hơn 1.000 biên chế so với số giao năm 2017 nên chi thường xuyên cho biên chế giảm khoảng 20 tỷ đồng... Tuy vậy, trong quá trình thực hiện nghị quyết, các đơn vị của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Văn Diện, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) cho biết, tháng 9/2018, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Đông Hưng chính thức sáp nhập vào Trung tâm y tế huyện Đông Hưng và chuyển về trực thuộc Sở Y tế Thái Bình. Sau khi sáp nhập, hoạt động của Trung tâm vẫn ổn định. Tuy nhiên, lượng lớn cán bộ dân số chuyên trách các xã, thị trấn trước đây thuộc quản lý của UBND xã, thị trấn, nay chuyển về thành một chức danh của Trạm Y tế xã, thị trấn, chịu sự quản lý của Trạm trưởng bước đầu còn bỡ ngỡ, cần thêm thời gian để làm quen. Trung tâm đã kiến nghị Sở Y tế, UBND tỉnh, Bộ Y tế cần bổ sung chức năng công tác dân số cho Trạm Y tế và có chế độ, chính sách thống nhất giữa các chức danh trong Trạm...

Tương tự, tháng 7/2018, UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định sáp nhập Trung tâm Da liễu vào Bệnh viện Phong da liễu Văn môn và đổi tên Bệnh viện Phong da liễu Văn môn thành Bệnh viện Da liễu Thái Bình.

Ông Bùi Trung Dũng, Quyền Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình cho biết, sau sáp nhập, bệnh viện đã sắp xếp lại cán bộ, tổ chức bộ máy khoa, phòng phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ 23 khoa, phòng của đơn vị cũ giảm còn 15 khoa, phòng. Nhiều cán bộ có chuyên môn tốt, đào tạo bài bản được tăng cường từ cơ sở 1 về cơ sở 2 để nâng cao hoạt động khám chữa bệnh phục vụ người bệnh và nhân dân... Sau 4 tháng sáp nhập, cơ sở vật chất ở cơ sở 2 khang trang hơn, trang thiết bị y tế được bố trí đủ, đội ngũ cán bộ từng bước thay đổi về cách làm việc, chất lượng phục vụ người bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, vướng mắc của bệnh viện hiện nay là việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế bị ngắt quãng, tổ chức đảng, đoàn thể chưa được thống nhất đầu mối hoạt động.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, một số văn bản của Trung ương ban hành chưa kịp thời, đồng bộ nên việc triển khai thực hiện nghị quyết còn gặp khó khăn. Bộ Nội vụ chưa có khung biên chế công chức đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện nên khó khăn trong việc giao biên chế công chức cho các cơ quan này. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan Đảng và tổ chức chính trị - xã hội, khi thực hiện phải vận dụng Nghị định của Chính phủ; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối với số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, khi các đơn vị này chuyển hoạt động sang cơ chế tự chủ. Đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện tinh giản 10% đối với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, làm nhiệm vụ lái xe, phục vụ, do vậy các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Việc sáp nhập, giải thể, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dẫn đến dôi dư chức danh lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, đặc biệt vị trí hành chính, phục vụ, trong khi thời gian công tác còn dài nhưng chưa có chính sách cụ thể. 

Việc sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố còn khó khăn do phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo... Tài chính và quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố hiện nay do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp và quản lý dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp và quản lý biên chế của Liên đoàn Lao động tỉnh, cấp huyện. Việc xây dựng đề án thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn là khó khăn do đặc điểm của tỉnh Thái Bình có sự khác biệt về đô thị, nông thôn chưa rõ rệt...

Thực hiện theo lộ trình

Chú thích ảnh
Thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngành Y tế Thái Bình đã giảm 9 đơn vị. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng, trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có quyết tâm chính trị cao, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Cùng với đó phải có lộ trình thực hiện, làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai tiếp đối với những việc chưa rõ. Những việc đã rõ cần làm ngay, làm quyết liệt, quan trọng nhất phải có sự đột phá và sự chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện chặt chẽ.

Trong quá trình thực hiện phải giữ vững các nguyên tắc tổ chức, đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của các cấp, ngành, địa phương, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, nhất là người Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao.

Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về phân bổ ngân sách chi thường xuyên đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Chỉ đạo thực hiện việc khoán kinh phí đối với một số hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Song song với đó là Ban hành quy định việc khoán kinh phí chi phụ cấp theo định mức cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; rà soát, sắp xếp giảm đầu mối bên trong trực thuộc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện và cơ cấu bên trong của từng đơn vị trực thuộc. 

Quá trình triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở nơi có đủ điều kiện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tổng kết, đánh giá và có giải pháp sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư; mở rộng và tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương...

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải: Quá trình thực hiện Nghị quyết cần phải sơ kết, tổng kết và tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp, rà soát, đánh giá, đề xuất việc thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, sắp xếp, tổ chức lại Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh; xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; phối hợp sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng Công an trong tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã theo Công văn của Đảng ủy Công an Trung ương.

Nguyễn Công Hải (TTXVN)
Thận trọng tinh giản biên chế ngành y tế và giáo dục
Thận trọng tinh giản biên chế ngành y tế và giáo dục

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động, ngăn chặn các hành vi sai phạm trên không gian mạng, tinh giảm biên chế... là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngày 27/10. Riêng về việc tinh giản biên chế, các đại biểu đề nghị phải thận trọng trong việc tinh giản biên chế ngành y tế và giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN