Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Trải qua 94 năm lãnh đạo, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngày nay chúng ta vừa tiếp tục củng cố, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhân dân ta luôn tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo sáng suốt, đã chèo lái con thuyền cách mạng tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nâng cao tầm vóc, vị thế nước nhà. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong hoạt động cách mạng, lao động, sản xuất cán bộ đảng viên ta rất ngương mẫu, do đó đã tạo nên những thành tích vẽ vang. Đó là những bông hoa tươi thắm của Chủ nghĩa Xã hội.
Song bên cạnh đó còn có một số cán bộ, đảng viên phẩm chất đạo đức còn hạn chế. Họ nặng về “chủ nghĩa cá nhân”, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trên hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, không chịu học tập, gây mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, nói không đi đôi với làm.
Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị là yếu tố ảnh hưởng xấu, không chỉ làm băng hoại đạo đức của cá nhân cán bộ, đảng viên mà còn làm suy yếu đạo đức của Đảng. Biểu hiện cơ bản của chủ nghĩa cá nhân là:
Thứ nhất, không quan tâm đến lợi ích chung, làm việc gì cũng chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân; sống ích kỷ, thực dụng. Háo danh, tự cao, tự đại, thích được ca ngợi, sùng bái bản thân; tham vọng quyền lực, địa vị, thành tích. Thiếu ý thức và trách nhiệm với tập thể; kén chọn chức danh, vị trí công tác; không tận tâm, tận lực với công việc chung, không sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Thứ hai, thoái thác trách nhiệm, thành tích thì nhận vào, lỗi lầm thì chối bỏ; thiếu trung thực về các khuyết điểm, sai phạm. Ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy đúng không dám bảo vệ”, “thấy sai không dám đấu tranh”; thiếu trung thực trong tự phê bình và phê bình, thậm chí lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau nhằm mưu cầu lợi ích cho mình. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tham nhũng, nhận hối lộ; để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi; cố ý làm trái các quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ ba, mặt trái của kinh tế thị trường cũng đã gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến phẩm giá, nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội; nảy sinh những tệ nạn tham nhũng, tội phạm, bạo lực; kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý.
Thứ tư, công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển đã đem đến nhiều lợi ích trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng cũng đã trở thành môi trường để các thế lực thù địch ra sức truyền bá luận điệu sai trái, thông tin xấu độc, phát ngôn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, âm mưu xóa bỏ chế độ XHCN. Những vấn đề đó đã làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến đạo đức của Đảng ta.
Nhìn chung, thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm về mọi mặt, đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả xây dựng nền văn hóa, trong đó có đạo đức chưa thực sự được như mong muốn. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống,...; xuất hiện tình trạng tham nhũng, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, dùng mọi thủ đoạn để tìm kiếm các mối quan hệ, liên kết “lợi ích nhóm”; dùng tiền bạc do tham nhũng để mua chức, mua danh mà bất chấp cả liêm sỉ, danh dự,...
Nguyên nhân của những biểu hiện cơ bản trên là do không chịu học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân của từng cán bộ, đảng viên dẫn đến suy đồi về đạo đức lối sống, mà phạm vào những sai lầm. Vì vậy, để nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên xứng đáng là người cộng sản chân chính trong thời kỳ mới cần phải:
Một là: Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên.
Hai là: Đảng phải hết sức quan tâm đến công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước hết là công tác giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng: “Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu”.
Ba là: Cần thực hiện hiệu quả công việc “phê bình và tự sửa chữa”. Mục đích của phê bình là giúp nhau sửa chữa và tiến bộ; để cải thiện phương pháp làm việc tốt hơn và chính xác hơn; tăng cường sức mạnh đoàn kết và nội bộ nhất; và “phải sửa đổi phương thức làm việc của Đảng” để mỗi bộ phận và nhân viên thực hiện công việc “đúng đắn” và “khéo léo”. Chỉ khi đó, “thành tích của Đảng sẽ ngày càng lớn hơn”.
Bốn là: Xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với điều kiện mới và tuyền thống văn hóa tốt đẹp để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác, tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước những khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng.
Năm là: Suốt đời phấn đấu nêu cao tinh thần cầu tiến bộ, tự học tập, tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.
Sáu là: Tạo môi trường làm việc lành mạnh, quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên yên tâm phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng. Xây dựng, phát huy không khí đoàn kết, dân chủ, thống nhất, trong sáng ở môi trường công tác; củng cố niềm tin và thái độ chân thành, trung thực giữa đồng chí, đồng nghiệp, nhân viên và lãnh đạo, cấp trên và cấp dưới; đảm bảo sự công bằng, khách quan, mọi người được tôn trọng và đối xử bình đẳng, được quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để cống hiến và phát triển về mọi mặt. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được chuẩn hoá theo quy định; bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ phù hợp; thực hiện đồng bộ chính sách đãi ngộ, động viên cả về vật chất và tinh thần đối với cán bộ.
Thứ bảy: Ra sức tu dưỡng, rèn luyện phát huy các giá trị cốt lõi hình thành nên đạo đức cách mạng của người cán bộ, đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, trước hết người cán bộ, đảng viên phải một lòng theo Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào, từ đó sẽ tiến đến chí công vô tư. Có chí công vô tư thì lòng dạ mới trong sáng, đầu óc mới sáng suốt để làm những việc ích nước, lợi dân như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, tín, dũng.
Người cách mạng nếu không cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, khi đó tinh thần đấu tranh và tính tích cực của người cách mạng bị giảm sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng giảm sút, sự tiên phong gương mẫu của họ cũng không còn, từ đó họ quên đi nhiệm vụ vẻ vang của họ là quyết tâm suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, điều đó sẽ kìm hãm, cản trở sự nghiệp cách mạng của Đảng ta trên con đường xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Tóm lại, đạo đức cách mạng là quyết tâm phấn đấu suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, giữ vững kỹ luật, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục tùng tổ chức, đấu tranh hết mình, gương mẫu, đi đầu trong công việc. Tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận, nhất là chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn tư phê bình và phê bình để tiến bộ trong công tác, giúp đở đồng chí cùng tiến bộ.
Những giá trị đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên có mối quan hệ mật thiết với bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa, xã hội mà toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân chúng ta đang chung sức xây dựng. Người cách mạng muốn vun bồi, trau dồi đạo đức cách mạng ngay từ những điều, những việc mà từ thuở nhỏ chúng ta đã được học, điều đầu tiên là: “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt, khiêm tốn, thật thà dũng cảm và phải thương yêu cha mẹ, anh, chị, em…”, điều đó cho thấy Bác đã dạy chúng ta trước tiên phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, bên cạnh đó, để đạo đức cách mạng không bị suy thoái, biến chất và đánh mất thì việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng giống như việc chúng ta phải rửa mặt hàng ngày, để gột rửa những vết bẩn, làm cho chúng ta luôn trong sáng.
Trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi những người “công nhân” xây dựng công trình này không những hội tụ đủ đức, tài mà còn phải bản lĩnh, không sợ gian khổ, hy sinh, dám đương đầu với chông gai, thử thách để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình - đó là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và tiến lên cộng sản chủ nghĩa.