Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, từ đầu năm 2016 trở lại đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát, ban hành nghị quyết và một loạt quy định từ việc quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đoàn viên công đoàn, đặc biệt là tổ chức công đoàn vi phạm về tài chính hoặc công tác cán bộ. Tổng Liên đoàn ban hành một số quy trình với các quy định cụ thể, góp phần vào việc ngăn ngừa, cảnh báo và răn đe những trường hợp vi phạm liên quan đến tài chính, tài sản, nhất là công tác cán bộ trong hệ thống.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành những quy định rất cụ thể, ví dụ như kiểm tra tài chính hoặc báo cáo quyết toán hàng năm, theo quy định là có chữ ký của Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cung cấp để tránh câu chuyện là anh làm mà không có bộ phận giám sát - ông Bùi Văn Cường cho biết. "Cũng như quy định là đối với trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên của đoàn kiểm tra, nếu kiểm tra về nội dung, lĩnh vực tài chính của năm đấy nhưng có một đoàn khác của cấp khác, của ngành khác kiểm tra mà phát hiện ra vi phạm thì trưởng đoàn và các thành viên của đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm để tránh câu chuyện xuê xoa, du di".
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, muốn tăng cường công tác kiểm tra cần nâng cao thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp và "nên chăng có thể bàn để hệ thống kiểm tra theo hệ thống dọc để có thể điều các đồng chí ở ủy ban kiểm tra tỉnh này sang kiểm tra tỉnh khác". Đặc biệt là đối với ủy ban kiểm tra cơ sở phải tăng cường và bố trí đủ cán bộ để thực hiện nhiệm vụ; quy định trách nhiệm với ủy ban kiểm tra và các đoàn kiểm tra nhất là những câu chuyện là anh phát hiện nhưng anh vẫn tạo điều kiện. Ví dụ ủy ban kiểm tra cấp huyện, cấp tỉnh không phát hiện, nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện hay Kiểm toán Nhà nước phát hiện thì phải xử lý kỷ luật đối với đoàn đã kiểm tra mà không phát hiện. Như vậy tất cả những vi phạm mới không bị lấp liếm, bỏ qua... - ông Bùi Văn Cường nêu quan điểm. Đồng thời cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nhất là của đảng đoàn, ban cán sự Đảng các bộ, ngành và địa phương theo hướng nêu ra những "mánh khóe" về vi phạm tài chính, hay những vi phạm về công tác cán bộ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết năm 2018, Thành ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy triển khai trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực trọng yếu, nhạy cảm, phức tạp, dễ nảy sinh vi phạm; những vấn đề nổi cộm, còn hạn chế, tồn tại ở cơ sở mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm như công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, dự án đầu tư, công tác cán bộ...
Toàn Đảng bộ Thành phố đã kiểm tra 4.922 tổ chức đảng, 395 đảng viên; giám sát chuyên đề 485 tổ chức đảng và 599 đảng viên, trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm tra, giám sát đối với 36 Ban thường vụ quận, huyện, đảng ủy trực thuộc và một số sở, ngành của thành phố và 25 tổ chức đảng cơ sở về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình công tác toàn khóa của thành phố... Các cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương thức, quy trình và đánh giá, kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bài bản và chất lượng hơn.
Đặc biệt, sau kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chính quyền điều chỉnh những quy định chưa hợp lý, tạo thuận lợi cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu... Thành ủy đã chỉ đạo rà soát việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát của Trung ương, thành phố, các quận, huyện, thị xã trong toàn Đảng bộ. Sau rà soát, đã thống kê cụ thể số lượng các kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát được thực hiện, thực hiện một phần và chưa thực hiện; yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị báo cáo cụ thể tiến độ hoàn thành; Chỉ đạo giải quyết ngay việc sửa đổi quy chế, quy định cho phù hợp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện kết luận giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã kịp thời sửa đổi quy chế làm việc phù hợp với Quy định 42 của Trung ương, Quyết định số 3688-QĐ/TU ngày 24/2/2018 thay thế Quyết định số 688-QĐ/TU ngày 10/3/2016 của Thành ủy; chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi tài sản, đất đai đã được sửa dụng sai quy định, quyết liệt thu hồi đối với các dự án treo trong nhiều năm, gây bức xúc dư luận; xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm... giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.