Đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc
Cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Theo đó, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) phân tích: Việc sớm ban hành Luật Kiến trúc nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư trong nước và nước ngoài đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang phát triển, nhu cầu xây dựng tăng cao. Xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc còn đảm bảo hoạt động kiến trúc phát triển trong sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo đồng bộ, thống nhất các luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch kiến trúc.
Nêu thực tế, hiện, một số quy định của Luật đối với kiến trúc sư đang quy định tản mạn ở 50 văn bản liên quan nhưng có những khoản đang xung đột, kiềm chế nhau, đại biểu Nguyễn Chiến nêu ví dụ: Luật đấu thầu có nhiều đồ án kiến trúc được nghiên cứu công phu nhưng không phát huy tác dụng vì các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến làm sao đấu thầu trúng thầu với giá cạnh tranh, kiến trúc đơn giản. Những đồ án thiết kế mang tính bền vững, tính thẩm mỹ cao lại bị xem nhẹ. Vì vậy, Luật Kiến trúc được ban hành sẽ nâng cao vai trò của kiến trúc sư và các công trình kiến trúc sẽ được đề cao.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự án Luật quy định về nguyên tắc hoạt động kiến trúc còn đơn giản, chưa bao quát được những yêu cầu nền tảng của kiến trúc như: tính khoa học tính thời đại, truyền thống, đa dạng và thống nhất của không gian kiến trúc, sự hài hòa về văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, sự phát triển của không gian kiến trúc, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung vào dự án Luật.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật, nhiều đại biểu đồng tình với quy định như trong dự án luật vì cơ bản đã phản ánh được các chính sách về kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý, phát triển và hành nghề kiến trúc như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đặt ra đối với Luật Kiến trúc. Tuy nhiên, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) đề nghị phạm vi điều chỉnh của dự án Luật nên tập trung vào quy định nội dung hành nghề kiến trúc và theo đó, tên gọi của Luật là Luật Kiến trúc sư.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật khi đi vào thực tiễn, một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quản lý kiến trúc, về quy định hành nghề kiến trúc. Kiến nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các kiến trúc sư, đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) kiến nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa cấp chứng chỉ hành nghề cho các kiến trúc sư. Nhà nước không cần quản lý nên để các hội nghề nghiệp tự quản lý nhau. Ví dụ, trong hành nghề kiến trúc, những người làm không tốt sẽ được các kiến trúc sư khác tự phân hạng, không nhất thiết cơ quan nhà nước phải tham gia. Trong một số tiêu chí, cần đẩy mạnh xã hội hóa, để các hội nghề nghiệp thực hiện, Nhà nước không cần quản lý.
Thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam qua giá trị kiến trúc
Băn khoăn về những quy định trong quản lý nhà nước về kiến trúc, vốn là những yếu kém, nguyên nhân của những bất cập trong thời gian qua nhưng luật lại tập trung chủ yếu vào vấn đề mô hình hoạt động, đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đặt vấn đề: Vậy chính quyền địa phương có công trình xây dựng mà kiến trúc không đúng luật vậy cơ quan nào sẽ xử lý? quy trình xử lý thế nào? nhất là những công trình văn hóa.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa nêu rõ: Việt Nam hệ thống công trình văn hóa rất đồ sộ với hàng chục nghìn công trình văn hóa đã được các cấp công nhận; có những công trình kiến trúc có lịch sử 400-500 năm, rất giá trị; nhưng khi bảo tồn có tuân thủ, bảo tồn được những kiến trúc xưa hay không? Nếu không thực hiện đúng, để xảy ra vi phạm, việc xử lý sẽ như thế nào? Đại biểu kỳ vọng dự án Luật sẽ có quy định rõ ràng về nội dung này. Đồng thời, theo đại biểu, kiến trúc cảnh quan đô thị, kiến trúc nông thôn cũng là những vấn đề đặt ra, Luật cần có quy định cụ thể để quản lý nội dung này.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) cho rằng, quan trọng nhất của quản lý kiến trúc là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó mới là mục tiêu chứ không phải chỉ vấn đề quản lý.
Đặt vấn đề về xử lý hài hòa giữa quy hoạch và kiến trúc, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị khi ban hành Luật, việc tổ chức, công cụ quản lý cũng cần phải rà soát để có cơ sở quản lý đội ngũ kiến trúc, doanh nghiệp, tổ chức hành nghề về thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc. Bên cạnh đó, ngoài việc quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ kiến trúc sư, người hành nghề kiến trúc, việc tổ chức quản lý cũng cần đặt ra không nên để tình trạng Luật ra đời nhưng tổ chức quản lý không nhất quán hoặc chỉ dành cho hai thành phố lớn (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), không thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam qua giá trị kiến trúc, qua các công trình. Trong dự án Luật, vấn đề này vẫn còn mờ nhạt.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hành nghề kiến trúc; về yêu cầu quản lý kiến trúc...