Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã kiến nghị đại biểu Quốc hội các vấn đề như: Xây dựng thêm trường học cho cộng đồng người dân tộc Hoa, dân tộc Chăm trên địa bàn để họ và con em yên tâm học tập, sinh sống; có chính sách hỗ trợ đối với những người mất trong công tác phòng, chống dịch hoặc những người dân từng mắc COVID-19 bị suy giảm sức khỏe, mất việc làm; thanh tra, rà soát các dự án treo tại các địa phương; xây dựng, phát triển hệ thống y tế cơ sở; xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông liên vùng…
Cử tri Trương Hồng Sơn (Phường 16, Quận 8) kiến nghị, hiện nay vẫn còn nhiều dự án treo trên địa bàn Quận 8 và Thành phố, đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa đổi luật để có chế tài xử lý mạnh tay đối với các dự án treo này bởi đây là những công trình đường giao thông, trường học… rất cần thiết cho người dân. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất công cũng diễn ra tại nhiều địa phương, cần có biện pháp xử lý rốt ráo.
Phản hồi về ý kiến của các cử tri, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với đặc thù là Thành phố đông dân với nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo, chính quyền Thành phố luôn tôn trọng phong tục, tín ngưỡng của người dân. Thành phố cũng có nhiều chính sách chăm lo cho đời sống, giáo dục, văn hóa của người dân các dân tộc như xây dựng trường học sử dụng ngôn ngữ thứ 2 cho người Hoa (20 trường học trên địa bàn có tổ chức dạy bằng tiếng Hoa), nâng cấp Lễ hội Nguyên tiêu thành lễ hội cấp Thành phố… Dù chưa xây dựng trường học riêng cho con em người Chăm nhưng tại mỗi trường học địa phương đều có những lưu ý riêng để phục vụ nhu cầu của đồng bào.
Liên quan đến vấn đề nhiều cử tri quan tâm là xây dựng, phát triển hệ thống y tế cơ sở, ông Dương Anh Đức cho hay, thời gian qua Thành phố đã thực hiện song song nhiều giải pháp để phát triển y tế cơ sở như: Đưa bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế công tác, trang bị các thiết bị y tế cho cơ sở, thu hút, mời gọi đội ngũ y bác sĩ đã nghỉ hưu quay trở lại trạm y tế công tác… Còn với các dự án hạ tầng giao thông, kẹt xe, ngập nước…, hiện Thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên tháo gỡ khó khăn cho từng dự án một, nỗ lực hoàn thành các dự án một cách nhanh nhất, sớm đưa vào phục vụ người dân.
Bày tỏ sự xúc động khi có người dân tộc Hoa, dân tộc Chăm, người theo đạo Hồi, người theo đạo Phật và cả những người không có tôn giáo tham dự tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các cử tri. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Cử tri đã nêu các vấn đề nổi cộm hiện nay. Đó là các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, đất công, quyền sử dụng đất, tôn giáo, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đoàn kết dân tộc, chuyển đổi số, xây dựng pháp luật... Đây chính là những quan tâm của cử tri mà hôm nay các đại biểu Quốc hội được lắng nghe; từ đó đại biểu Quốc hội sẽ ghi nhận, tổng hợp trình lên Quốc hội, Chính phủ để giải quyết cho người dân".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Thành ủy, UBND Thành phố, UBND các quận huyện và đặc biệt là nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, vươn lên sau đại dịch. Chủ tịch nước mong muốn, với tư cách là Thành phố năng động, phát triển đứng đầu cả nước, trong giai đoạn mới, Thành phố Hồ Chí Minh cần năng động hơn, phát triển toàn diện hơn, nâng cao đời sống của người dân hơn nữa. Mỗi phường, quận, mỗi người dân phải có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Thành phố cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tái cấu trúc kinh tế, hướng đến mô hình kinh tế sáng tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành phố cũng cần tập trung giải quyết rốt ráo những khiếu nại, tố cáo, các vấn đề bức xúc xã hội. Những vấn đề mà cử tri quan tâm cũng chính là yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Thành phố cũng cần lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, quan tâm hơn đến người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em.