Không xóa bỏ hộ kinh doanh
Nêu ý kiến đồng ý bổ sung, đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho biết: Hộ kinh doanh là một khu vực kinh tế chưa được hệ thống pháp luật quy định điều chỉnh, bảo hộ đầy đủ cũng như chưa có đóng góp tương xứng cho ngân sách Nhà nước so với quy mô kinh tế. “Để đồng bộ trong quản lý, Chính phủ cần ban hành chế độ kế toán cho đối tượng doanh nghiệp này như vừa qua, Chính phủ ban hành chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đại biểu thảo luận.
Trước một số ý kiến băn khoăn đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp “có khiên cưỡng” và bị “thui chột” khi được “chính danh”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích: Hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân và nhóm người kinh doanh, tương tự công ty nhưng với cơ cấu sơ khai nhất. Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn thì các hộ kinh doanh chính là loại hình doanh nghiệp nhưng chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh có quy mô và số lượng lao động được sử dụng, thậm chí lớn hơn công ty. Đó là khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về Luật Doanh nghiệp.
Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đã để lại hậu quả pháp lý. Cụ thể, trong khi quyền, nghĩa vụ của công ty tư nhân, cá nhân kinh doanh đóng góp chưa đầy 10% GDP được quy định vào Luật Doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, nơi sinh kế hàng chục triệu người, đóng góp trên 30% GDP đất nước nhưng bản chất chính là doanh nghiệp lại chỉ được chế định trong một nghị định do Chính phủ ban hành, gặp hàng loạt hạn chế về quyền kinh doanh.
“Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác. Được chính danh trong luật, hộ kinh doanh sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, vị trí pháp lý được quy định rõ ràng, hộ kinh doanh được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định pháp luật, được gỡ bỏ các hạn chế về quyền tự do kinh doanh. Đưa hộ kinh doanh vào Luật không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, không ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty hay doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt buộc phải thay tên đổi họ mà là để “chính danh” họ trong Luật, không để bị bỏ lại phía sau”, đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, 5 điều trong chương quy định về hộ kinh doanh đưa vào dự thảo Luật không mới so với hiện hành. Các quy định này vẫn đơn giản, chưa rõ ràng và chưa phải là "cứu cánh" cho hộ kinh doanh như kỳ vọng để mở rộng thị trường, để họ có quan hệ tốt, kinh doanh tốt hơn, nhà nước tăng thu, quản lý tốt hơn. Muốn đưa các quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật cần có đánh giá tác động cụ thể, các nội dung được thiết kế hoàn chỉnh hoặc cần một nghị định để tổng kết đưa thành Luật…
Cần khái niệm rõ về doanh nghiệp Nhà nước
Về mở rộng khái niệm doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, cần cân nhắc “thật chuẩn” việc sửa đổi quy định doanh nghiệp nhà nước nắm hơn 50% vốn điều lệ vì “đây là sự bất bình đẳng ngay từ tên gọi”.
Theo đại biểu, Nhà nước tham gia vốn vào các doanh nghiệp khác trên 50% nhưng các doanh nghiệp này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần… cơ cấu tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp này phải tuân thủ các ngành của doanh nghiệp đó. Cho nên, việc có trên 50% vốn của nhà nước ở các công ty có khung quản trị như trên mà lại quy định tổ chức hoạt động như doanh nghiệp nhà nước là “mâu thuẫn, không khả thi”.
“Các doanh nghiệp này sẽ hoạt động theo mô hình nào, mô hình doanh nghiệp nhà nước hay công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn?”, đại biểu Nguyễn Hữu Quang nêu ý kiến.
Kiến nghị về quyền chi phối đối với doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) cho biết: Quan điểm chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và mở rộng trên đối tượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối. Nhưng lại không quy định cụ thể phải nắm giữ tỷ lệ bao nhiêu cổ phần, vốn góp chi phối để doanh nghiệp đó được phép là doanh nghiệp nhà nước?
Đại biểu kiến nghị khái niệm cổ phần, vốn góp chi phối cần phải được làm rõ ngay trong dự án Luật. Việc chi phối đối với doanh nghiệp phải được hiểu là quyền quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thông qua một quyết định của doanh nghiệp, mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào như quyết định về nội dung, điều lệ, bổ sung, sửa đổi chiến lược phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, bổ nhiệm, miễn nhiệm…
Thúc đẩy phát triển các nguồn lực đầu tư
Giải trình về các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong quá trình soạn thảo dự án luật, nhiều phương án khác nhau để xác định tiêu chí doanh nghiệp có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối của nhà nước đã được ban soạn thảo phân tích và đánh giá kỹ tác động. Ba phương án được đưa ra là trên 35%, trên 50% và trên 65%, trong đó phương án sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đánh giá là hợp lý nhất.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ bảo đảm Nhà nước chủ động ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp; đối với quyết định quan trọng, tỷ lệ sở hữu này vẫn bảo đảm quyền chi phối quyết định quan trọng khác của doanh nghiệp.
Đối với việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, Bộ trưởng cho rằng: Về bản chất là loại hình kinh doanh nên tất cả những vấn đề liên quan đến loại hình này đều phải được định danh, hỗ trợ, bảo vệ và các hộ kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động. Do đó, tất cả phải được luật hóa. Đây cũng không phải là nội dung hoàn toàn mới cho Luật Doanh nghiệp. Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp đã đề cập đến hộ kinh doanh và trên cơ sở Điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78 hướng dẫn các vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh.
Việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong Luật nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh, bảo đảm rằng các nguồn lực đầu tư dưới mọi hình thức là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp đều có thể phát huy hết tiềm năng, lợi ích và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế. Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh, do vậy theo quy định của Hiến pháp, những gì liên quan đến quyền con người thì phải quy định ở trong luật, không phải ở Nghị định. Đây cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền và lợi ích cao nhất của hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.