Kỳ vọng sửa đổi các quy định liên quan tới quy hoạch và đầu tư công

Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan tới quy hoạch và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công vừa được trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Bên lề Kỳ họp, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự kỳ vọng nhiều hơn vào những ý tưởng đột phá, táo bạo từ phía cơ quan hoạch định chính sách. Để sau khi luật sửa đổi được thông qua và ban hành, sẽ giải quyết căn bản những vướng mắc nội sinh và hiện tại của hai luật này.  

Chú thích ảnh
Các đại biểu tại phiên họp sáng ngày 25/10. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất

Đại biểu Mù A Vảng (Đoàn Điện Biên) cho hay, Luật Quy hoạch hiện chỉ mới được triển khai nhưng đã đụng chạm tới trên dưới 50 luật theo như đánh giá và số liệu tổng hợp từ phía cơ quan soạn thảo.

“Chúng tôi thấy rằng, những nội dung được trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan tới quy hoạch còn chưa hết, chưa phản ánh được bao quát những vấn đề còn nổi cộm. Quá trình nghiên cứu cần phải được tiếp tục để lấy thêm nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nữa dự án luật này. Có như vậy, mới đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quy hoạch với các luật có liên quan trong quá trình triển khai. Điều ấy sẽ tạo thuận lợi không chỉ cho cơ quan hoạch định chính sách mà còn dễ dàng đối với các địa phương, các cấp, ngành và người dân khi thực hiện”, đại biểu Mù A Vảng nói.

Theo đại biểu Mù A Vảng, Luật Quy hoạch là luật phức tạp, mang tính bao trùm nên việc chồng chéo là khó tránh khỏi. Quá trình triển khai đã cho thấy thực tiễn và nhiều bất cập phát sinh nên phải sửa, bổ sung và điều chỉnh cho tương thích với các luật có liên quan là đương nhiên nhưng không cần vội vàng.

Để đạt được sự đồng bộ và thống nhất rất cần sự cầu thị từ phía cơ quan soạn thảo, bộ chủ quản và các đơn vị có trách nhiệm tham mưu. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan tới quy hoạch nên nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn của Việt Nam để xây dựng một luật mới hoàn thiện hơn, tháo gỡ được những chồng chéo còn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Đại biểu Mù A Vảng đề nghị.

Khắc phục những điểm yếu còn hạn chế

Liên quan tới nội dung đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về những bất cập như việc xác định nguồn vốn, thời điểm xử lý nguồn vốn kết dư… đang gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai luật hiện hành.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công tại kỳ họp Quốc hội lần này cho thấy, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự tiếp thu những góp ý, kiến nghị từ các địa phương, các đại biểu Quốc hội. Nhưng có thể dự án phải cần có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, bóc tách những vấn đề bất cập hay tồn tại sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Đầu tư công.   

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, xác định nguồn vốn cho đầu tư công là rất quan trọng và cần có cách nhìn tư duy khác để huy động nguồn lực từ trong dân, bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể là việc thu thuế từ chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp hay huy động tài chính của dân bằng trái phiếu Chính phủ và tăng lãi suất huy động tiết kiệm ngân hàng…. Nếu làm tốt những giải pháp này, tổ chức tốt việc triển khai, hiệu quả đem lại sẽ giải quyết được nhiều câu chuyện liên quan tới nguồn vốn cho đầu tư công, giảm gánh nặng nợ công, vay lãi cao từ các tổ chức quốc tế.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) bày tỏ, kế hoạch đầu tư công trung hạn và cơ cấu nợ công đang còn nhiều tồn tại. Nhất là trong bối cảnh không còn nhiều dư địa để khai thác như: vốn vay đã kịch trần, tài nguyên đã cạn kiệt, nhân lực không đáp ứng được trình độ công nghệ…  Đến nay chúng ta đưa ra bàn kế hoạch đầu tư công trung hạn dường như còn quá sớm, nhất là khi chưa có sự tính toán cụ thể, chưa hoàn thành việc huy động nguồn vốn thì đã tính gì tới việc phân bổ hay thu hồi cả nguồn vốn ngân sách dự báo, lẫn nguồn quỹ dự phòng.

Đại biểu Lê Thanh Vân mong rằng, với kinh nghiệm và những bài học rút ra trong thời gian triển khai Luật Đầu tư công, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị tham mưu soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ khắc phục những điểm yếu còn hạn chế trong luật. Từ đó, nhanh chóng đưa chính sách phù hợp hơn, thuận lợi hơn đến với địa phương, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; giảm bớt gánh nặng các thủ tục phiền nhiễu, rườm rà; thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
 

Thạch Huê – Thành Trung   (TTXVN)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Tập trung cho công tác nhân sự
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Tập trung cho công tác nhân sự

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN