Đây là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đầu kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha giai đoạn 1858 - 1860.
Tham dự lễ kỷ niệm có các đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Đà Nẵng, Quân khu 5, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; các nhà khoa học trong nước, quốc tế...
Ôn lại quá khứ đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân Đà Nẵng những ngày đầu kháng chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết: 160 năm trước, rạng sáng 1/9/1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha khai hỏa trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam.
Ban đầu, quân giặc với hỏa lực áp đảo, lực lượng chính quy đã nhanh chóng tấn công, chiếm các vị trí phòng thủ trọng yếu của ta. Tuy nhiên, với tinh thần bất khuất, trung kiên, ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, quân dân ta dưới sự chỉ huy lần lượt của các tướng Trần Hoằng, Đào Trí, Lê Đình Lý đã kháng cự một cách anh dũng, ngoan cường.
Đặc biệt khi danh tướng Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, cục diện trận chiến đã thay đổi. Ông cho thực hiện chiến lược phòng thủ tích cực, chủ trương bao vây, ngăn chặn địch trên sông Hàn, thực hiện “vườn không nhà trống”, lập phòng tuyến Liên Trì, huy động nhân dân sẵn sàng chống giặc, tổ chức phục kích để kiềm chế, không cho địch tiến vào sâu nội địa, bẻ gãy ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của kẻ thù. Lâm vào thế bị động, lại thêm phong thổ khí hậu khắc nghiệt, phần lớn quân địch đã chết vì đói, bệnh tật.
Với sự chiến đấu dũng cảm của quân dân Đà Nẵng, sự đồng tâm ủng hộ của nhân dân cả nước, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng sau 18 tháng 22 ngày tham chiến. Đây là thắng lợi duy nhất của quân dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, là nét son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: Thắng lợi của quân dân ta tại Đà Nẵng 160 năm trước đã chứng minh một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ trước đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại trở nên sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
160 năm đã trôi qua nhưng sự kiện người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu đã đi vào tâm thức của hậu thế bằng niềm tự tôn dân tộc. Tiếp bước tiền nhân, nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng với ý chí “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, lớp cha trước, lớp con sau đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, đoàn kết, buộc những kẻ thù mạnh phải cúi đầu.
Sau ngày đất nước thống nhất, cũng với ý chí ấy, tinh thần ấy, Đà Nẵng đã có một bước chuyển mình ngoạn mục, trở thành thành phố hiện đại; kinh tế tăng trưởng ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tạo ra thế và lực mới cho Đà Nẵng tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp.
Tại buổi lễ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật hợp ca "Vị quốc vong thân", nghi thức Lễ tế nghĩa sỹ Đà Nẵng. Các đại biểu, lãnh đạo thành phố cùng người dân vào dâng hoa, dâng hương tại lễ tế và các phần mộ tại Di tích Nghĩa trủng Hòa Vang.