65 năm trôi qua, đồng bào các dân tộc vùng quê hương cách mạng xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn nhớ mãi về những kỷ niệm ngày diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2/1951. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước.
Vị trí chiến lược quan trọng trong an toàn khu
Dẫn chúng tôi đi thăm Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được trùng tu, tôn tạo theo nguyên mẫu, tại khu rừng Nà Loáng, ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình kể lại: Kim Bình có vị trí chiến lược quan trọng trong An toàn khu, do vậy tháng 2/1951 Kim Bình được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại khu rừng Nà Loáng (thôn Phú An) nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Đây là Đại hội Đảng diễn ra đầu tiên ở trong nước, trong thời điểm cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Các trục đường được bê tông hóa đã tạo ra diện mạo mới khang trang cho xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). |
Đại hội đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới vận mệnh của cả dân tộc: Đề ra chủ trương, đường lối đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; tổ chức Đảng Lao động Việt Nam; xây dựng ở Lào, Campuchia mỗi nước một đảng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi; bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư...
Ông Nông Văn Tiêu (81 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng), dân tộc Tày, xã Kim Bình cho biết: Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội, từ cuối năm 1950 các cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tập trung xây dựng khu đại hội, với phương châm chu đáo, an toàn, bí mật, theo đúng lời Bác Hồ căn dặn: "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì"…
Xã đạt chuẩn nông thôn mới
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng Kim Bình - nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kim Bình đã tập trung phát huy “nội, ngoại lực”, huy động được hơn 101 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 24 tỷ đồng để thực hiện hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay, Kim Bình đã đạt 19/19 tiêu chí và là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, xã Kim Bình hiện có 1.161 hộ, với 4.943 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày, Dao. Những năm qua, phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, đồng bào các dân tộc trong xã luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, cần cù lao động, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân ở Kim Bình đã từng bước tạo ra diện mạo mới cho quê hương. Trong 5 năm qua, toàn xã đã nhựa hóa, bê tông hóa được gần 58 km đường các loại, cải tạo được 1 hồ chứa nước, xây mới gần 3 km kênh mương bê tông. Từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn, Kim Bình đã xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng cây đặc sản; xây dựng xưởng chế biến mắm cá ruộng với diện tích 120 m2, tổng kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng, sản phẩm mắm cá của Kim Bình đã được đăng ký chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và có thương hiệu là “Mắm cá Cổ Linh”; xóa nhà tạm cho 59 hộ, cơ bản đạt “3 cứng” (cứng nền, cứng khung, cứng mái). Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 6,3%...
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của xã, ông Đào Ngọc Vang cho biết: Đảng bộ và các dân tộc trong xã xác định phải thực hiện làm sao cho xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng và để hoàn thành được các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đề ra, xã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về mục tiêu của chương trình, bởi khi người dân hiểu và hưởng ứng thì thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện chương trình cần phải chủ động lựa chọn, xác định các hạng mục ở các tiêu chí thực hiện thiết thực với mong muốn, nguyện vọng cũng như khả năng tham gia đóng góp của nhân dân để triển khai trước như: Làm đường giao thông nông thôn; kênh mương nội đồng; xây nhà văn hóa thôn… Đồng thời, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Khi phát huy được tinh thần chủ thể của người dân, thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Điển hình như, để xây dựng nhà văn hóa thôn bản, bình thường sẽ phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng, nhưng nhờ có sự đóng góp và giám sát của người dân nên chi phí đầu tư giảm còn 310 triệu đồng/nhà văn hóa...
Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được xứng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, thời gian tới xã Kim Bình tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tập trung tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Xã tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân và việc tham quan của du khách...
Với sự nỗ lực và đoàn kết của chính quyền và người dân nơi đây, Kim Bình đang vững bước trên con đường đổi mới, xứng đáng là quê hương cách mạng, là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng... Kim Bình phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm; duy trì và nâng cấp chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hàng năm 85% tổ chức Chi bộ Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.