Không thỏa mãn, chủ quan chống dịch COVID-19

Sở Y tế Hà Nội báo cáo đã có bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại phòng áp lực âm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội). Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Từ 6 giờ sáng 7/3, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 6/3.  

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Để thuận tiện, bên cạnh hình thức khai giấy hành khách có thể khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với các nhà mạng Viettel, VNPT và các công ty công nghệ thông tin đã nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và ứng dụng khai báo y tế điện tử bắt buộc rất đơn giản, thuận tiện.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng bàn thảo về việc huy động cơ sở vật chất của lực lượng công an, phối hợp cùng với quân đội chuẩn bị thêm các địa điểm tổ chức cách ly tập trung, trong đó có các cơ sở cách ly cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất triển khai các đội cơ động quân dân y kết hợp để kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức cách ly tại các doanh nghiệp…

Thời gian tới Bộ Y tế cũng sẽ ban hành các hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú được sử dụng để cách ly tập trung; cách ly tại các doanh nghiệp, nhà máy...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội chiều 6/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hiện có 3 chuyên gia người Trung Quốc thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông,đã sang Việt Nam và xin tự cách ly để đảm bảo an toàn trong dịch COVID-19. Địa điểm cách ly mà các chuyên gia tự lựa chọn là Khách sạn Sông Nhuệ (đường Trần Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Họ tự chi trả mọi chi phí và xin cách ly trong 14 ngày, đảm bảo đúng quy định. Trong thời gian tới, 37 chuyên gia nước ngoài khác của dự án này cũng sẽ sang Việt Nam. Họ cũng xin sẽ chủ động tự cách ly.

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ cho học sinh THPT của thành phố đi học từ 9/3, các cấp còn lại đi học từ 16/3.  

Người đứng đầu TP Hà Nội cũng yêu cầu các trường không được sử dụng máy đo thân nhiệt để đo trước cổng trường, mà phải đo trong lớp để cho kết quả chính xác. Phải đo 2 lần, khi đến lớp và khi ra về. Trên cơ sở diễn biến thuận lợi về công tác phòng chống dịch bệnh, phụ huynh đã an tâm, thì việc cho các cấp còn lại đi học trở lại sẽ được quyết định vào ngày 15/3. Các đơn vị liên quan tăng cường rà soát lại tất cả các trường hợp là học sinh, sinh viên đi du học châu Âu từ ngày 20/2 trở lại đây để đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất tốt. Trong 24 ngày qua, không ghi nhận ca mắc mới tại Việt Nam. Các địa phương được giao đều thực hiện nghiêm túc chủ trương của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng cũng nhấn mạnh “phải kỷ luật sắt với tinh thần chống dịch như chống giặc”; ứng xử nhân văn đối với tất cả người cách ly, đặc biệt là người nước ngoài.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện lây lan ra 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 3.000 người tử vong, Thủ tướng nêu rõ, không được chủ quan, không mệt mỏi, chần chừ, cần kiên định, kiên quyết hơn trong phòng, chống COVID-19. “Khi chúng ta đạt kết quả rồi, các cấp, các ngành, các địa phương cũng dễ thỏa mãn, dễ chủ quan trong tư tưởng và hành động”, Thủ tướng nhắc nhở.

Những hình thức, cách làm mới phải được vận dụng phù hợp, kịp thời, đặc biệt là các nguồn, đường lây nhiễm, mầm bệnh tại cộng đồng… đều phải chủ động phát hiện để tránh nguy cơ lây lan rộng. Tổ dân phố phải biết người dân sống thế nào, tình hình dịch bệnh ra sao. Do đó, cách ly tập trung dưới một số hình thức là một đối sách quan trọng, trong đó lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, các địa phương tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cơ sở cách ly.

Nhắc lại mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số đối tác quan trọng của nước ta. Do đó, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành và địa phương đã tức thời ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương…đúng với tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt gian khó, bước qua đại dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình “Chia sẻ cùng doanh nghiệp”, các gói tín dụng quy mô lớn để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay. Các gói tín dụng tập trung nhiều nhất vào các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh như: Du lịch, vận tải, kho bãi, nông nghiệp, xuất khẩu, vui chơi giải trí... Cùng với đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…

V.T/Báo Tin tức
Các doanh nghiệp và nền kinh tế bị tác động nặng nề từ dịch COVID-19
Các doanh nghiệp và nền kinh tế bị tác động nặng nề từ dịch COVID-19

Theo thông tin từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, kết quả khảo sát nhanh trong hơn 1.200 doanh nghiệp do Ban này tiến hành ngày 2-3/3 cho thấy, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh (“phơi nhiễm” COVID-19).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN