Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, Đại sứ Yamada Takio cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính là chính khách nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Kishida Fumio tiếp đón sau khi nhậm chức, thể hiện Nhật Bản coi trọng mối quan hệ song phương với Việt Nam. Ông khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng cùng chia sẻ lợi ích chiến lược trong khu vực để hiện thực hóa chủ trương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đại sứ Yamada Takio cũng cho biết trong nhiều năm, trên cương vị Tổng thư ký, Cố vấn của Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt cũng như trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Kishida Fumio luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, từng giữ cương vị Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật, là người am hiểu sâu sắc quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 là cơ hội để hai vị lãnh đạo làm sâu sắc hơn nữa quan hệ tin cậy trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Việt Nam.
Năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với thế giới, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng với những biến chủng mới nguy hiểm. Đại sứ Yamada Takio cho biết đại dịch là một thử thách đối với những giá trị thực sự của quan hệ giữa hai nước với tư cách là đối tác chiến lược sâu rộng. Tuy nhiên, thông qua chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể thấy rằng tiến trình phát triển và làm sâu sắc quan hệ song phương luôn được duy trì.
Trong năm 2022, Đại sứ Yamada Takio cho rằng quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vững chắc, dựa trên định hướng của Tuyên bố chung giữa Thủ tướng hai nước. Đại sứ mong muốn trong năm 2023, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023), Nhật Bản và Việt Nam sẽ nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, đồng thời phát triển sâu rộng hơn nữa hợp tác song phương, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nhận xét về những nỗ lực nhằm theo đuổi một “nền kinh tế xanh”, hướng đến tăng trưởng xanh, sạch và bền vững của Việt Nam, Đại sứ Yamada Takio cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục cụ thể hóa nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững dựa trên nội dung Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục phác thảo những ý tưởng để hiện thực hóa xã hội không carbon.
Đại sứ khẳng định Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện từ vấn đề chính sách, công nghệ cho đến tài chính với Việt Nam trong nỗ lực này. Một ví dụ tiêu biểu của hợp tác này là dự án sử dụng công nghệ lò đốt chất thải phát điện do công ty T&J Green Energy thực hiện tại tỉnh Bắc Ninh.
Đại sứ cũng cho biết theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa hai nước, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị áp dụng công nghệ hiện đại của nước này, tiếp tục đóng góp cho kinh tế tuần hoàn không carbon tại Việt Nam. Hiện có 40 dự án JCM được phê duyệt tại Việt Nam và trong thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo mô hình này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối năm 2021, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, Yamaguchi Tsuyoshi, và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Việt Nam, Trần Hồng Hà, đã ký chương trình hành động chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.