Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Trong ngày làm việc, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế. Các ý kiến đã tập trung đánh giá, thảo luận về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019; về kinh tế và ngân sách nhà nước; tình hình triển khai kế hoạch năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018...
Trong phiên thảo luận, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã đăng đàn làm sáng tỏ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ý kiến.
Thông tin được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cung cấp trước Quốc hội là Việt Nam được nhận định có khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Nhấn mạnh sự điều hành linh hoạt của Thủ tướng và Chính phủ khi chỉ đạo quản lý xuất khẩu gạo chặt chẽ và thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời là 400.000 tấn trong tháng 4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Khi đánh giá có điều kiện để phát triển xuất khẩu gạo, nhất là khi giá gạo thế giới đang tiếp tục ở mức cao và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong khi có đủ cơ sở để yên tâm về vụ gạo hè thu sắp tới cũng như lượng gạo tồn trữ, Thủ tướng đã thống nhất (trong cuộc họp với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành) tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình trước Quốc hội một số nội dung về nền tư pháp, vụ án “buôn lậu gỗ trắc” ở Quảng Trị và đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Bộ Chính trị đã có hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, hai Nghị quyết quan trọng này đang trong quá trình tổng kết. Đến nay, qua quá trình tổng kết, có thể khẳng định, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng về cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật, đặc biệt là xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, quan hệ quốc tế, xây dựng các thể chế bổ trợ tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trên thực tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình một số nội dung chính của ngành Giao thông Vận tải như: Tình hình giải ngân vốn hai dự án giao thông trọng điểm quốc gia, vấn đề an toàn giao thông, tình hình phát triển giao thông vận tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong gần 6 tháng qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông có chuyển biến tốt nhờ Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 10 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, được ban hành kịp thời và sự đồng tình của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương. Trong 5 tháng đầu năm 2020, theo số liệu báo cáo, số vụ tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm khoảng 18,45 %, số người chết giảm gần 15 %, số người bị thương giảm hơn 24 %.
Cho rằng đây là kết quả hết sức tích cực nhưng để công tác đảm bảo an toàn giao thông được cải thiện hơn nữa thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường xử phạt nguội theo quy định của hai nghị định trên với những hành vi như: Lấn chiếm hành lang lộ giới, họp chợ trên vỉa hè hoặc đỗ xe không đúng quy định…
Trong phần phát biểu của mình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin đang có nhiều vấn đề đặt ra đối với an ninh tài nguyên nước ở Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam có lượng mưa, lượng nước chảy khá phong phú nhưng hơn 63% lượng nước là từ nguồn nước xuyên biên giới chảy vào. Theo Bộ trưởng, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước nội địa thấp hơn trung bình với thế giới. Tác động kép của biến đổi khí hậu làm cho việc phân bổ nước không đều theo địa lý, theo mùa. Bên cạnh đó là những đòi hỏi thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế để đảm bảo tính bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để bảo đảm an ninh tài nguyên nước cần xem xét lại thể chế để xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Làm rõ vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quan trắc, dữ liệu, quy hoạch. Đồng thời, cần làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, như ở lưu vực sông Mê Kông và có thể chế chung để các nước cùng tham gia phù hợp với quốc tế.
Giải trình, làm rõ hơn một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, nền kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Qua công tác quyết toán cho thấy, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước đạt những kết quả rất tích cực và từng bước cơ cấu lại theo hướng bền vững, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, bội chi và nợ công giảm mạnh, từ đó giúp củng cố an ninh tài chính quốc gia, tạo thêm dư địa giúp nước ta có khả năng chống đỡ tốt hơn trước những tác động từ bên ngoài như đại dịch COVID-19 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vấn đề về kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách thời gian qua đã có nhiều chuyển biến nhưng tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý về đầu tư, quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, tài chính ngân sách nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và địa phương.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt cải cách, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho phát triển. Tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính. Đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển nhất là khu vực kinh tế tư nhân.
Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong đó coi trọng thúc đẩy nội nhu và tăng cường năng lực của nền kinh tế hỗ trợ cho phát triển từng ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 16 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực, vấn đề, vụ việc được cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt là những ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, hoàn thiện các nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.