"Việc thực hiện chủ trương hợp đồng lao động có thời hạn đối với viên chức sẽ tạo ra động lực cho viên chức làm việc hiệu quả hơn, qua đó người dân sẽ có lợi nhiều hơn”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã thông tin tới cử tri Quảng Ninh như vậy trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), ngày 6/7.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, ngay cả đối với cán bộ, công chức hiện cũng đang thực hiện theo chính sách bổ nhiệm 5 năm một lần. Trong 5 năm nếu cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, không được tín nhiệm, sẽ không được đề bạt vào vị trí công tác đó nữa.
Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính gặp gỡ các cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Như vậy, việc áp dụng hợp đồng lao động có thời hạn đối với viên chức là việc làm mang tính công bằng, là động lực cho viên chức lao động hiệu quả hơn, qua đó người dân được lợi hơn từ hiệu quả công tác của viên chức. Viên chức ký hợp đồng lao động có thời hạn vẫn có đầy đủ quyền lợi như tăng lương và mọi chế độ, chính sách khác theo luật định và cơ hội đề bạt lãnh đạo, quản lý.
Liên quan đến nội dung này, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh giải thích: Nếu viên chức làm việc hiệu quả, có uy tín thì mọi chế độ, chính sách vẫn được duy trì và thực hiện theo luật định.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 4 ngàn công chức và hơn 25 ngàn viên chức; viên chức nằm phần lớn ở ngành giáo dục và đào tạo, y tế…
Theo phản ánh của nhiều cử tri, lâu nay chế độ “biên chế” (hợp đồng không xác định thời hạn) trong các đơn vị, cơ quan nhà nước đã gây tâm lý an phận, không phát huy khả năng sáng tạo, năng động của công chức.
Vì vậy thực hiện chế độ hợp đồng lao động có thời hạn đối với viên chức sẽ khắc phục được tình trạng này, tạo nên sự năng động, chủ động, tự quyết của đơn vị sự nghiệp và đặc biệt đối với những người được tuyển dụng.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” của Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể như sáp nhập các cơ quan đảng, chính quyền, nhất thể hóa các chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện, hay Bí thư kiêm Trưởng thôn, khu phố.
Đồng chí Phạm Minh Chính thông tin: Hiện nay ngân sách nhà nước chi tới 64% cho chi thường xuyên (trong đó có lương cho công chức, viên chức) số còn lại chi cho đầu tư phát triển, dự phòng thiên tai, trả nợ… Như vậy, đòi hỏi đất nước phải tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa để có tiền phục vụ cho đầu tư phát triển. Không gì khác phải tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đây là vấn đề cấp thiết cần thực hiện.
* Tại Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng đã tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị một số vấn đề như: Tài chính trong tự chủ đại học; lộ trình xóa biên chế trong ngành giáo dục; thiếu kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học; tình trạng hàng ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp; tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
Trả lời về hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói: Qua dư luận phản ánh cho thấy hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên là có. Việc tuyển dụng giáo viên là của địa phương, của Sở Nội vụ, của các đơn vị sử dụng lao động.
Giải pháp để hạn chế tiêu cực là cần minh bạch thông tin tuyển dụng. Bên cạnh đó các trường Đại học Sư phạm phải đào tạo các giáo viên có trình độ, kiến thức, kỹ năng tốt, đặc biệt là các kỹ năng "mềm" để các em không bị những tác động không đáng có.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri.
|
Trả lời về việc xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới đề xuất nghiên cứu thí điểm xóa bỏ biên chế, đề xuất xong Chính phủ cho làm mới được làm. Thực tế, đây là một quá trình rất dài, vấn đề này vẫn chưa có chủ trương triển khai, trước mắt là tập trung giáo dục đại học, thực hiện cơ chế tự chủ có hiệu quả cao.
Khi các trường chuyển sang tự chủ, các trường phải thực hiện đầy đủ các phụ cấp mà giảng viên đang được hưởng, các trường chỉ được điều chỉnh tăng chứ không được giảm những khoản phụ cấp mà Chính phủ đã quy định. Khi tự chủ, Nhà nước vẫn đầu tư cho các trường, nhất là đầu tư cơ bản, chứ không phải là cắt tất cả các khoản đầu tư.
Liên quan đến vấn đề hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hiện cung đã vượt quá cầu, trừ giáo dục mầm non. Bộ trưởng nói: “Do cầu thấp, chế độ đãi ngộ lại khó khăn nên nguyện vọng các em giỏi vào sư phạm rất thấp. Để các trường Sư phạm tồn tại, các thầy phải hạ điểm chuẩn.
Đó là một nghịch lý, bởi lẽ ra các trường sư phạm đào tạo ra giáo viên phải là số một, bởi đào tạo ra cả một thế hệ. Tuy nhiên thực tế nghịch lý, những em không phải loại giỏi, "bí" quá mới vào sư phạm, đó là bài toán ngược hoàn toàn. Tôi có biết tình trạng này, hiện Bộ đang ra soát lại toàn bộ các trường sư phạm, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, sắp xếp lại các trường sư phạm”.
Bộ trưởng cũng mong muốn các cử tri là cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm đóng góp ý kiến cho ngành. Đối với các kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội ghi nhận và sẽ chuyển đến Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.